Tại xóm Rùa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội có một cây đa cổ thụ mang trong mình bao huyền thoại. Cây đa Thần Rùa với tuổi đời ước chừng nghìn năm, đứng sừng sững như một chứng nhân của lịch sử của những câu chuyện ly kỳ và tín ngưỡng tâm linh của người dân nơi đây.
Nhìn từ xa, bóng dáng khổng lồ của cây đa Thần Rùa đã nổi bật với tán lá xanh rì vươn cao, bộ rễ trắng muốt chằng chịt như những chiếc móng rùa cắm sâu vào lòng đất.
Bước đến gần, du khách có cảm giác như mình đang bước vào một "ma trận" của thời gian, nơi những bộ rễ đan xen nhau, vươn lên từ đất mẹ tạo thành một không gian vừa hoang dại vừa quyến rũ.
Đứng dưới tán cây, người ta không khỏi cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.
Những câu chuyện về thần linh ngự trên cây đa được truyền tụng từ đời này qua đời khác. Dân làng kể rằng, đã từng có kẻ vào đây chặt cành đa nhưng ngay lập tức gặp tai ương. Những sự kiện nửa hư nửa thực ấy dường như khiến cho huyền thoại về Thần Rùa ngày càng thêm ly kỳ, kích thích trí tưởng tượng của người nghe.
Không chỉ nổi tiếng với cây đa nghìn tuổi, xóm Rùa còn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Du khách sẽ được thưởng thức những điệu cồng chiêng đặc sắc hay những màn múa ngoắt ngoe đầy ấn tượng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Duyên - Đội trưởng Đội bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xã Vân Hòa, chia sẻ: “Đội chiêng của chúng tôi đã có từ 15 - 20 năm trước, với thành viên trong độ tuổi từ 30 đến 70. Vào các ngày lễ, tế sẽ biểu diễn tại thôn hoặc tham gia các chương trình của huyện. Đây là niềm tự hào lớn của người Mường chúng tôi và chúng tôi luôn nỗ lực giữ gìn và phát triển truyền thống này”.
Ngồi dưới bóng cây đa, lắng nghe âm thanh cồng chiêng vang vọng, du khách như cảm nhận được hơi thở của quá khứ, hòa quyện cùng nhịp sống hiện tại, tạo nên một trải nghiệm độc đáo không thể quên.
Du khách như ông Vũ Văn Tuyên (Hà Nội) đã không giấu nổi cảm xúc: "Được chiêm ngưỡng cây đa nghìn năm và tham gia vào các hoạt động văn hóa của người Mường là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Ba Vì thực sự là một điểm đến không thể bỏ qua".
Xa hơn một chút, ẩn mình dưới chân núi Ba Vì là ngôi làng của người Dao với truyền thống y học cổ truyền lâu đời. Nghề thuốc Nam của người Dao không chỉ đơn thuần là một nghề, mà còn là cả một kho tàng tri thức, tâm linh. Tại đây, những cây thuốc quý hiếm như củ dòm, cây dược liệu từng bị tuyệt chủng trong tự nhiên, vẫn còn được bảo tồn.
Lương y Triệu Thị Bích Hòa, người đã dành nhiều năm nghiên cứu và bảo tồn nghề thuốc của dân tộc Dao, kể lại: “Thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì là một kho báu quý giá, chứa đựng nhiều tri thức quý báu. Nhưng hiện nay, cây thuốc dần ít đi, nhiều hộ dân phải tự trồng trong vườn. Có những cây phải trồng tới hơn 15 năm mới đủ dược tính”.
Theo lương y Hòa, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ là bảo vệ di sản văn hóa mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, khi đến Ba Vì du khách sẽ được thăm quan các trang trại liên kết (nông trại nuôi bò sữa, đà điểu, ong mật và Trung tâm nghiên cứu dê - cừu - thỏ), những sản phẩm du lịch này thu hút sự quan tâm của của du khách, đặc biệt là các bạn nhỏ.
Cậu bé Phát (8 tuổi), hào hứng chia sẻ: “Con thích lắm khi được cho cừu và dê ăn, các bạn cừu rất đáng yêu. Con thường mang theo một ít cỏ tươi và thấy thật vui khi nhìn chúng chạy lại gần. Đây là lần đầu tiên con được nhìn thấy cừu ngoài đời thật và được tham gia trải nghiệm thú vị như thế này".
Theo bà Lý Thị Luyến - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dê - cừu - thỏ Sơn Tây, đơn vị luôn chú trọng việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất. Hiện tại, trung tâm đã áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc chăn nuôi, từ việc chọn giống đến chăm sóc và quản lý dịch bệnh, nhằm nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.
Việc bảo tồn các giống động vật quý hiếm không chỉ giúp bảo vệ nguồn gen mà còn tạo ra giá trị kinh tế cho người dân địa phương. Những giống dê, cừu, thỏ tại trung tâm đã trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị thương mại của vùng.
Bà Luyến cho hay: “Ngoài việc chăn nuôi, trung tâm cũng hướng đến việc phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, tạo cơ hội cho du khách tham quan và trải nghiệm thực tế các hoạt động chăn nuôi”.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ tại Ba Vì, các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực xây dựng các tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn.
Ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong Travel, bày tỏ: “Tôi đã có chuyến khảo sát tại Ba Vì, có thể thấy nơi đây có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và các giá trị văn hóa độc đáo.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn mà còn tham gia vào các hoạt động văn hóa của địa phương”.
Ông Khánh cũng cho biết, một trong những điểm nhấn của các tour du lịch tại Ba Vì sẽ là việc du khách được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, tham gia vào các lễ hội truyền thống như lễ hội tại xóm Rùa, tìm hiểu về nghề thuốc Nam của người Dao hay tham gia vào hoạt động sản xuất tại vùng chè Ba Trại....
“Chúng tôi mong muốn từng du khách khi đến Ba Vì sẽ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống bình yên và cùng hòa mình vào những truyền thống, phong tục tập quán của người dân nơi đây”, ông Khánh nói thêm.