Theo báo cáo đăng hôm 29/6 trên tạp chí Antiquity, bức tượng gỗ hình con rắn độc đáo được khai quật tại một địa điểm có tên là Järvensuo I, phía tây nam Phần Lan. Nó dài 53 cm, dày khoảng 2,5 cm và nằm trong lớp than bùn sâu 1,5 m. Nhóm nghiên cứu cho biết cổ vật có niên đại từ thời kỳ đồ đá cách đây khoảng 4.400 năm.
Kristiina Mannermaa, giáo sư tại khoa Văn hóa tại đại học Helsinki, nhấn mạnh phát hiện này vô cùng đặc biệt vì đất chua của Phần Lan hiếm khi bảo quản được các di vật bằng gỗ lâu như vậy.
Bức tượng được chạm khắc từ một cành cây và người nghệ nhân đã khéo léo kết hợp các đường cong của nó với hiệu ứng chuyển động uốn lượn của con rắn, nhà khảo cổ Satu Kavisto, nghiên cứu sinh tại đại học Turku và là trưởng nhóm nghiên cứu của dự án, cho biết trong cuộc phỏng vấn với National Geographic.
Satu Koivisto chia sẻ, với tư cách là một nhà khảo cổ học, bức tượng này khiến anh "rùng mình" và "không nói nên lời". Nhà nghiên cứu nhấn mạnh, tác phẩm điêu khắc rắn bằng gỗ từ thời kỳ đồ đá là một phát hiện độc đáo ở Bắc Âu.
Kavisto cùng cộng sự vẫn chưa xác định được loại gỗ cũng như loài rắn mà bức tượng miêu tả nhưng dựa trên quan sát ban đầu họ nhận thấy nó giống một con rắn cỏ hoặc rắn lục châu Âu.
Trong khi đó, Sonja Hukantaival, nhà nghiên cứu về Văn hóa dân gian Bắc Âu tại Học viện Turku, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng, bức tượng gỗ có thể mô tả một loài rắn lục, dựa trên hình dạng của đầu, thân ngắn và đuôi có thể phân biệt được. Sonja Hukantaival cũng nhấn mạnh vai trò của rắn trong tôn giáo và ma thuật dân gian.
Tuy nhiên ý nghĩa của di vật thời tiền sử mới thực sự khiến các nhà khoa học phân vân. Nó là đồ chơi cho trẻ con, một bức tượng nhỏ trang trí hay vật dâng cúng thần linh? Nó vô tình bị rơi hay ai đó cố tình chôn xuống đất? Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng vị trí bức tượng được tìm thấy là một đồng cỏ đầm lầy tươi tốt, rất khó tiếp cận và đi qua.
Được biết, rắn trong các nền văn minh Finno-Ugric và Sámi ở Bắc Âu sau này có mối liên hệ với các pháp sư. Theo các bằng chứng khảo cổ, thầy pháp Finno-Ugric và Sámi được tin là có khả năng biến thành rắn. "Mặc dù khoảng cách thời gian giữa các nền văn minh là rất lớn, nhưng không loại trừ khả năng chúng ta đã tìm thấy một cây quyền trượng của pháp sư thời kỳ đồ đá", đồng tác giả Antti Lahelma từ đại học Helsinki của Phần Lan nói thêm.
Tuy nhiên, vì cổ vật này đã có từ thời tiền sử, bên cạnh đó không có tài liệu ghi chép nào có sẵn, thế nên không thể xác định chắc chắn công dụng và ý nghĩa của nó được.
Minh Hoa (t/h)