Đây là hành vi "tống tiền" một cách trắng trợn gây xôn xao dư luận. Trong khi nhiều người theo dõi vụ việc mong chờ một phán quyết nghiêm khắc đối với những kẻ bán rẻ danh dự nghề nghiệp, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân, thì TAND TP.Lạng Sơn lại "dành" cho các bị cáo một mức án quá nhẹ, khiến dư luận bức xúc.
"Mưu hèn, kế bẩn" của các bị cáo
Theo thông tin PV báo Người đưa tin tìm hiểu, nhóm công an trên gồm Nguỵ Văn Hùng (31 tuổi), Hoàng Văn Trường (25 tuổi), Triệu Văn Hiếu (29 tuổi) từng công tác tại công an TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Được biết, vì thiếu tiền ăn chơi nên cuối tháng 3/2012, Nguỵ Văn Hùng, Hoàng Văn Trường đã "sai" Hứa Viết Tú (một đối tượng giang hồ) gọi gái bán dâm đến nhà nghỉ Thùy Liên (phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn) để mua bán dâm. Theo kế hoạch của nhóm này, khi Tú và gái bán dâm đang thực hiện việc mua bán dâm thì công an sẽ ập vào bắt quả tang. Mục đích của "kịch bản" này là tống tiền gái bán dâm.
Theo kế hoạch đã được định sẵn, Tú gọi được một cô gái bán dâm đến phòng 304, sau đó báo cho cảnh sát Hùng và Trường. Đến nơi, Hùng mặc cảnh phục, còn Trường mặc thường phục. Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch khiến cô gái bán dâm tưởng công an đang thực hiện một chuyên án. Vì sợ bị bắt nên cô gái bán dâm "số đen" trên buộc phải vét túi đưa 500.000 đồng và 2 chỉ vàng để "nộp" nhưng bọn chúng không đồng ý. Sau đó, cô gái này đã phải vay người thân, nộp thêm 2 triệu đồng để được "tha".
Cũng với thủ đoạn này, ngày 21/4/2012, các đối tượng trên còn lấy của một gái mại dâm khác 2,7 triệu đồng. Lần này, chúng gọi thêm Triệu Văn Hiếu cùng tham gia. Mỗi phi vụ thành công, Tú đều được những công an biến chất này chia tiền.
Nhóm người này tưởng rằng hành vi lợi dụng danh nghĩa công an và sự nhận thức pháp luật kém của các nạn nhân nên yên tâm hành động. Nhưng điều chúng không ngờ là đầu tháng 5/2012, nạn nhân đã làm đơn trình báo Công an tỉnh Lạng Sơn. Đến ngày 4/5/2012, các đối tượng trên bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn làm rõ ngoài hai vụ nói trên, ngày 28/4/2012, các đối tượng còn thực hiện một vụ trấn lột 4 triệu đồng của các con bạc tại bến xe phía Bắc Lạng Sơn.
Các bị cáo (bìa trái) nghe tòa tuyên án (ảnh Tiền phong).
Những nghi vấn sau phiên toà
Vụ việc 3 cựu cảnh sát TP.Lạng Sơn lập mưu, "diễn kịch" bị phát hiện đã gây chấn động dư luận trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn. Nhiều người không thể ngờ được rằng, để có tiền, các đối tượng trên đã bất chấp thủ đoạn để cưỡng đoạt tiền của gái mại dâm một cách trắng trợn. Đây cũng chính là lý do phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trên được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ngày 11/3, TAND TP.Lạng Sơn đưa vụ án ra xét xử nhưng các bị hại đều vắng mặt nên HĐXX buộc phải hoãn. Thậm chí có thông tin cho rằng, sau khi vụ việc bị phát hiện, thu hút sự chú ý của báo chí và người dân thì bị hại, vì quá sợ hãi nên đã phải "bán xới" khỏi địa bàn. Ngay cả thành phần của HĐXX cũng phải thay đổi liên tục. Có vị Hội thẩm Nhân dân lúc đầu có tên trong danh sách nhưng sau đó viện "lý do khách quan" để từ chối.
Sau lần hoãn thứ nhất, đến ngày 19/3, TAND TP.Lạng Sơn tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Sau hai ngày làm việc, cuối giờ chiều ngày 20/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Lạng Sơn đã công bố mức án dành cho các bị cáo như sau: Bị cáo Ngụy Văn Hùng (31 tuổi) bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Hoàng Văn Trường (25 tuổi) bị phạt 12 tháng tù giam; bị cáo Triệu Văn Hiếu (29 tuổi) được tha bổng tại tòa vì không phạm tội. Riêng bị cáo Hứa Viết Tú bị phạt 12 tháng tù giam. Trước đó, VKSND TP.Lạng Sơn đã đề nghị mức án từ 12 - 18 tháng tù cho các bị cáo này về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trong quá trình xét xử, mặc dù các bị cáo gây ra ba vụ án với nhiều bị hại cùng số tiền là 16 triệu đồng nhưng chỉ có một bị hại đến dự tòa cùng một số nhân chứng. Các bị hại khác, trong đó có cô gái đã đứng ra tố cáo, dù tòa đã triệu tập nhiều lần nhưng không đến. Trong suốt hai ngày xét xử, mặc dù bị hại, nhân chứng đều nhận dạng được bị cáo, cũng như lời khai phù hợp thời gian địa điểm xảy ra vụ án..., nhưng cả ba bị cáo đều phủ nhận lời khai đồng thời "kêu oan" và cho rằng bị đồng nghiệp "hãm hại". Điều đáng chú ý, mặc dù cả ba bị cáo nguyên là công an phủ nhận thì bị cáo Hứa Viết Tú lại thành khẩn thừa nhận các hành vi theo cáo buộc của VKS.
Phán quyết của TAND TP.Lạng Sơn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi hành vi phạm tội của nhóm người trên đã quá rõ. Theo nhận xét của nhiều người, với tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo, mức án nêu trên là quá nhẹ, thậm chí nhiều chuyên gia pháp lý còn cho rằng xử như vậy chưa hợp lý.
Liệu đã đúng tội?
Luật sư Nguyễn Đức (công ty Luật IPIC, Hà Nội) cho biết: Theo thông tin mà báo chí đăng tải, các đối tượng trên bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135 BLHS. Theo quy định của điều luật này, người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong việc này, rõ ràng các đối tượng phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm. Với ba tình tiết tăng nặng như trên, chắc chắn ba bị cáo phải bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù giam. Theo luật sư Đức, không có lý do gì để xử mức án quá nhẹ như vậy đối với các bị cáo trên.
Đồng quan điểm, luật gia Trần Thanh Sơn (Quảng Nam) cho rằng, hành vi của các đối tượng trên cho thấy một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sỹ công an có biểu hiện thoái hóa về đạo đức, lối sống. Đây là hành vi phản cảm, trái đạo đức xã hội, đáng bị lên án. Thế nhưng mức án mà các đối tượng nhận được lại quá nhẹ, khiến dư luận bất bình.
Luật gia Trần Thanh Sơn phân tích, cáo trạng của VKS đã nêu rõ các bị cáo đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản, nhưng khi xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Lạng Sơn đã căn cứ vào quy định tại Điều 47 BLHS để áp dụng mức hình phạt dưới khung hình phạt bị truy đối với các bị cáo là chưa chuẩn xác. Điều 47 quy định bị cáo phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ thì tòa án mới có thể quyết định cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án. Bản án của tòa án cấp sơ thẩm lại ngược hẳn với quy định trên.
Như Hải - Anh Văn