Bức xúc vì lương tiền tỉ của 'sếp' các doanh nghiệp Nhà nước

Bức xúc vì lương tiền tỉ của 'sếp' các doanh nghiệp Nhà nước

Thứ 3, 03/09/2013 13:36

Lương của một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước lên đến hàng tỷ đồng/năm và còn cao hơn cả... lãnh đạo Nhà nước.

Những con số khiến người dân giật mình

Sự việc trở nên "nóng" khi văn phòng UBND TP.HCM ra thông báo kết luận của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM về việc hàng loạt công ty, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn chi lương lãnh đạo cao bất thường và buộc các đơn vị này phải thu hồi toàn bộ số tiền lương chi sai trước ngày 15/9.

Theo đó, trong năm 2012, mức lương của Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỷ đồng/năm (tính ra là hơn 200 triệu đồng/tháng); Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) là 1,6 tỷ đồng; Kế toán trưởng là 1,67 tỷ đồng, lương của Phó giám đốc là 969 triệu đồng. Trong khi lương bình quân người lao động mùa vụ chỉ có 5,43 triệu đồng/tháng (?).

Tương tự, tại công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, lương của những lãnh đạo công ty mặc dù không ngất ngưởng như công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị nhưng cũng khiến nhiều người giật mình bởi sự vượt khung quy định của Nhà nước một cách trầm trọng. Cụ thể, mức lương Giám đốc là 856 triệu đồng/năm, lương của Chủ tịch HĐTV là 853 triệu đồng, lương của Phó giám đốc là 584 triệu đồng và lương của kế toán trưởng là 716 triệu đồng.

Còn tại công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Giám đốc có mức lương là 2,2 tỷ đồng/năm, Chủ tịch HĐTV 2,4 tỷ đồng, Phó giám đốc 1,9 tỷ đồng và lương của kế toán trưởng là 1,7 tỷ đồng…

Xã hội - Bức xúc vì lương tiền tỉ của 'sếp' các doanh nghiệp Nhà nước

Ô nhiễm rác thải đô thị và ngập úng vẫn thường xuyên xảy ra ở các thành phố lớn

Theo ông Lê Minh Khái - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, những con số trên không phải phát hiện lần đầu mà trên thực tế có những con số đáng giật mình hơn rất nhiều. Qua quá trình kiểm toán đã phát hiện việc phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và giữa các bộ phận còn chưa hợp lý. Tại một số đơn vị như  SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,… lương của lãnh đạo quản lý khối văn phòng bình quân hơn 50 triệu đồng/tháng, có trường hợp cá biệt lên tới 56,5 triệu đồng/tháng.

Tại Petrolimex được xếp vào diện kinh doanh đặc biệt bởi có tham gia vào bình ổn giá thị trường nên kết quả kinh doanh hầu như không ảnh hưởng đến mức lương hàng tháng, thậm chí đơn vị này thường xuyên báo cáo thua lỗ. Tuy nhiên, mức lương lãnh đạo ở đây lại vào loại "khủng" với chức danh Chủ tịch tập đoàn thu nhập 58 triệu đồng/tháng; Uỷ viên HĐTV là 42 triệu đồng/tháng, Trưởng ban kiểm soát hưởng 41 triệu đồng/tháng; Phó tổng giám đốc hưởng 40 triệu đồng/tháng…

Nhận định về vấn đề trên, TS. Nguyễn Huy Khôi, giảng viên kinh tế, trường đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Hiện đang có sự bất cập, tạo khoảng cách ngày càng sâu về thu nhập giữa những "ông chủ" doanh nghiệp với người lao động".

Mặc dù theo quy định thì mức vượt lương của lãnh đạo tập đoàn chỉ được phép vượt tối đa không quá 9 lần so với nhân viên; Trưởng phòng không quá 5 lần lương chuyên viên… Tuy nhiên trên thực tế, tại những đơn vị này, ngoài phần cứng theo quy định còn có thêm khoản mềm khác như: Chức trách lãnh đạo, khả năng sáng tạo, hiệu quả công việc, thưởng năng suất kinh doanh… mới tạo ra kẽ hở để nhận mức lương "đột biến" như trên. Nếu đem so sánh, con số này còn cao gấp hai, gấp ba lần mức lương của một số lãnh đạo đứng đầu Nhà nước hiện nay, mức lương dao động trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

Cũng theo TS. Khôi, những doanh nghiệp hoạt động vì mục đích lợi nhuận nên chuyện thưởng hiệu quả kinh doanh, phụ cấp tăng thêm… sẽ không đề cập đến nhưng đối với các doanh nghiệp Nhà nước chuyên hoạt động vì lợi ích công cộng, vì mục đích chính trị lại hoàn toàn khác. Toàn bộ hệ thống bảng lương, phụ cấp đều được quy định, phân chia cụ thể. Vấn đề "lách luật" để nhận mức lương "khủng" khi phát hiện ra và yêu cầu thu hồi nộp vào kho bạc Nhà nước là điều tất yếu.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người nghi ngờ và bất bình ở chỗ, các doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố - PV) hoạt động vì mục tiêu chính trị, vì lợi ích cộng đồng thì toàn bộ khoản tiền lương đó do ngân sách Nhà nước cấp. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu là phải làm sao quản lý, chi tiêu, sử dụng nguồn ngân sách một cách có hiệu quả. Chứ không phải cứ "rót" cho doanh nghiệp thì họ muốn làm gì thì làm, thậm chí là kê khai sai nội dung, làm sai sổ sách giấy tờ, cố tình lạm dụng, sử dụng sai mục đích nguồn tiền được cấp. Trong khi đó, hàng năm nguồn ngân sách Nhà nước được kiểm soát, có chế độ báo cáo rất chặt chẽ.

Do vậy, khi để xảy ra mức lương "khủng", vượt quy định như trên cần phải xác định lại trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp cũng như liên đới trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc kiểm tra, giám sát việc đơn vị được cấp sử dụng nguồn tiền đó ra sao?! "Điều tôi thấy hết sức vô lý ở chỗ, những công ty này chưa thực hiện tròn vai nhiệm vụ của mình như giải quyết hết tình trạng ngập úng, phủ "sóng" cây xanh, đảm bảo hệ thống chiếu sáng trên toàn địa bàn thành phố thì lấy đâu ra mức thưởng để đạt mức lương "khủng" như vậy"?! - TS Khôi nhấn mạnh.

Xã hội - Bức xúc vì lương tiền tỉ của 'sếp' các doanh nghiệp Nhà nước (Hình 2).

Ô nhiễm rác thải đô thị và ngập úng vẫn thường xuyên xảy ra ở các thành phố lớn

Có chuyện tham nhũng tiền lương?!

Tâm sự với PV Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên công ty Mây tre đan Việt Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Tôi không thể hình dung nổi, tại sao Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước lại có mức lương cao như vậy. Ngay đối với những doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả trong thời buổi hiện nay mà Giám đốc cũng chỉ nhận được mức lương khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng, chỉ bằng một phần tư, một phần năm so với họ. Điều đó cho thấy, có khoảng cách thu nhập rất lớn giữa "hai ngạch" Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Đó còn không kể tới mức lương của những người lao động chúng tôi cũng chỉ được khoảng 3,5 - 7 triệu đồng/tháng, tuỳ thuộc thâm niên, tay nghề công tác".

Như vậy, ai tinh ý sẽ nhận ra ngay việc lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đang có những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng trong việc lạm dụng, sử dụng trái mục đích nguồn ngân sách Nhà nước và khoảng cách thu nhập có độ "vênh" rất lớn giữa người lao động và "ông chủ" ở ngay chính bản thân doanh nghiệp đó. Chị Hằng nhấn mạnh: "Họ cầm nhiều tiền như thế mà không tự hỏi, người lao động vất vả vô cùng, sao được lĩnh ít?".

Cùng chung tâm trạng, chị Trần Thị Thanh, nhân viên thu, quét rác khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gần chục năm làm trong nghề đến bây giờ, mức lương của tôi cũng chỉ đạt được 6,5 triệu đồng/tháng (tổng thu nhập - PV). Đặc thù công việc là ngày nắng cũng như ngày mưa, thức khuya dậy sớm,công việc cực nhọc nhưng người lao động như chúng tôi cũng chỉ thu nhập vỏn vẹn từng ấy tiền. Nay nghe thông tin một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước chuyên hoạt động trong lĩnh vực công cộng như tôi đang làm có mức lương "khủng" hàng trăm triệu đồng/ tháng khiến tôi không khỏi "choáng" và chạnh lòng.

Liên quan tới vụ việc, luật sư Nguyễn Thăng Long, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, những thông tin phản ánh cho thấy mức độ bất bình đẳng trong phân bố thu nhập, sự bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là những doanh nghiệp Nhà nước khá rõ ràng. Nó như một cỗ máy hành chính bóc lột trong một môi trường kinh doanh và có sự bảo hộ của Nhà nước (kinh doanh trong những ngành nghề lĩnh vực phục vụ quốc kế dân sinh, được sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đó là Thoát nước đô thị, Công trình giao thông…).

Cũng theo luật sư Nguyễn Thăng Long, trong mô hình doanh nghiệp kiểu đó, giá trị sức lao động bị méo mó, biến dạng theo kiểu vừa mang phong cách hành chính quan liêu bao cấp, cửa quyền, vừa bị thao túng lũng đoạn bởi những lãnh đạo tham lam, vơ vét. Người lao động thực sự là những công nhân phải lao động trong một môi trường vất vả, nguy hiểm thì thu nhập thấp, không được hưởng các điều kiện phúc lợi tối thiểu như ký hợp đồng lao động dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội… Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là trục lợi và vi phạm quy định của pháp luật đã rõ, tuy nhiên vì đây là doanh nghiệp Nhà nước nên biện pháp xử lý thuộc cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý các doanh nghiệp. Tuỳ từng mức độ vi phạm có thể xử lý hành chính, buộc thôi việc, đuổi việc đến khởi tố hình sự nếu phát hiện dấu hiệu thông đồng, móc ngoặc có tính tổ chức để rút lõi ngân sách Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thăng Long khẳng định:

Đây là hình thức trục lợi một cách trắng trợn của "ông chủ" doanh nghiệp Nhà nước. Bởi trong đó, có dấu hiệu của cách thức ăn chia, phân phối lợi ích trong doanh nghiệp Nhà nước bị biến dạng. Sếp thì thu mức lương "khủng" còn người lao động  thì cơ cực, không có bảo hiểm, không được hưởng chế độ chính sách tối thiểu theo quy định của luật Lao động. Do vậy, cần phải tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm làm trong sạch bộ máy quản lý Nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực khác nhau.

Quỳnh Chi - Tuệ Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.