Nghệ thuật sơn mài Việt Nam, từ một chất liệu trang trí cổ truyền nay đã trở thành chất liệu nghệ thuật. Có thể khẳng định kể từ khi ra đời, tranh sơn mài Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Mỹ thuật sơn mài Việt Nam trên hành trình sáng tạo và phát triển, có ảnh hưởng và kế thừa nghệ thuật sơn mài các nước nhưng thể hiện được sự độc đáo và khẳng định bản sắc của riêng mình.
Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thành bảo vật quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua…trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực. Các tác phẩm như: Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí; Xuân Hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng….và nhiều tác phẩm khác đã tạo dựng nên thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới.
Đến với triển lãm mỹ thuật sơn mài mang tên BỤI (tổ chức từ ngày 11/3/2019 đến 18/3/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) của họa sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lục, người xem sẽ được chiêm ngưỡng 34 tác phẩm khổ vuông và 16 bức tranh tròn. Các tác phẩm là sự kết hợp hài hòa lẳng lặng nương vào tấm vóc nguyên cốt của sơn cũ, sơn ta mà đọc vị, gọi ra được một câu chuyện khác cho sơn mài Việt đương đại, Nguyễn Xuân Lục thâm trầm mà tươi mới với một đĩa màu riêng, mặc sức bay lượn với những gì chợt nghĩ, chợt thấy trên cánh đồng trời vô định, vô hạn của sáng tạo nghệ thuật.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”
Ai đã từng nghe đĩa nhạc Sơn Ca 7, ắt không khỏi băn khoăn tự hỏi: Tại sao một nét triết luận lớn của đạo Phật lại bay nhảy vào bài Cát bụi được một cách tự nhiên như không? Và bất kỳ ai nếu quan tâm đến mỹ thuật sơn mài cũng sẽ ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thưởng ngoạn bằng mắt các tác phẩm của Nguyễn Xuân Lục.
Con người - hạt bụi trần gian, cũng là những thiên thể kỳ lạ, kỳ diệu của tạo hóa. Lá cỏ lay động mắt ta nhìn. Trời định thiên nhiên, nhưng nghệ sĩ lại âm thầm đánh thức một thiên nhiên khác, đeo bám phận người kiếp vật trong cõi nhân gian.
Nguyễn Xuân Lục vẽ như buông theo ngọn gió siêu hình thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt vóc. Tiết khí bốn mùa, chẳng dám cầu mà vẫn viên mãn trong tranh. Mỗi tác phẩm của anh là nhẹ bước, giăng mắc sự hòa điệu giữa tâm hồn người và tâm hồn vũ trụ.
Trong một triển lãm nhóm tại Flamingo Đại Lải giữa năm 2018 để công chúng yêu nghệ thuật thấu hiểu hơn về quan điểm nghệ thuật của mình anh chia sẻ: “Hình ảnh xuyên suốt trong các tác phẩm này là cảm nhận về sự mong manh, hư không của cuộc sống con người. Chúng ta luôn có cảm giác nhỏ bé, cô đơn khi nhìn vào không gian rộng lớn vô cùng, vô tận của vũ trụ… Vũ trụ bao la mang đến cho ta cảm giác vừa hứng thú, vừa kinh ngạc pha lẫn kính sợ. Và cũng là nơi nảy sinh nhiều câu hỏi về ý nghĩa tồn tại của con người… Nếu con người tự biết nhìn mỗi thân thể như một “mảnh sinh thiết thu nhỏ” của mỗi hành tinh thiên thể, thì con người càng cần nhận ra bản chất thực sự cuộc sống chính mình là gì, để có thể sống ý nghĩa hơn, yêu thương nhiều hơn - bởi quá nhỏ bé và mong manh...”.
Họa sỹ Nguyễn Xuân Lục sinh năm 1983 tại thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ), là vùng đất thịnh trị về mảng nghề khảm, sơn mài và cả nghề nấu rượu. Anh tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2007, rồi dấn thân hẳn vào nghiệp họa sỹ sơn mài từ đó.
Trước khi tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên này, họa sỹ đã tham gia 17 triển lãm nhóm khắp trong - ngoài nước chỉ với tranh sơn mài và năm 2017 đã đoạt giải Ba tại Festival Mỹ thuật Trẻ do Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức với tác phẩm “Bụi trong không gian” (sơn mài 4 tấm, khổ 120 x 240cm). Tác phẩm này không phải sự khởi đầu, chỉ là một nét thành tựu trong dòng cảm hứng sáng tác về trạng thể mong manh bé nhỏ của con người trong xã hội, trong tự nhiên, trong vũ trụ vô cùng vô tận,…nơi mà mọi thứ dù to lớn hay bé nhỏ anh đều ẩn cả một khái niệm chung là: Bụi. Và cũng chỉ là nét chấm phá của hành trình tiệm tiến từng bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật, rồi qua quan chiêm tạo hình suốt 12 năm với kỹ thuật chuyên nghiệp và bản năng tính bâng khuâng nhạy cảm.