Chính phủ Bulgaria ngày 13/9 cho biết họ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine để đổi lấy bồi thường bổ sung cho nông dân nước này, nhưng Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia nhất quyết cho rằng lệnh cấm hiện tại – sẽ hết hạn vào ngày 15/9 – nên được Ủy ban châu Âu (EC) gia hạn và đe dọa sẽ đơn phương áp dụng biện pháp trừng phạt nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Bulgaria và 4 quốc gia nói trên đã tìm cách bảo vệ ngành nông nghiệp của mình trước làn sóng sản phẩm từ Ukraine trong 18 tháng qua, đổ lỗi cho hàng nhập khẩu khiến giá cả thị trường địa phương lao dốc.
Ưu tiên quan trọng
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và sự gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia Đông Âu này qua Biển Đen đã khiến các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) trở thành tuyến đầu trung chuyển và điểm đến xuất khẩu chính của ngũ cốc Ukraine.
Hồi tháng 5, EC – cơ quan điều hành của EU – đã đồng ý cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraina trong nước, đồng thời cho phép quá cảnh những hàng hóa đó để xuất khẩu đi nơi khác. Các hạn chế sẽ hết hạn vào ngày 15/9, nhưng Hungary và Ba Lan đã yêu cầu EC gia hạn lệnh cấm.
Còn Bulgaria – nước ban đầu tham gia lệnh cấm trên – đã thay đổi lập trường sau khi chính phủ do Thủ tướng Nikolai Denkov dẫn dắt nhậm chức.
Ông Denkov hôm 13/9 cho biết, chính phủ của ông ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm vì nó sẽ làm giảm giá các loại thực phẩm cơ bản ở Bulgaria.
“Nhập khẩu sẽ kích thích cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, nó sẽ dẫn đến việc giảm giá các sản phẩm thực phẩm cơ bản và lạm phát, đây là một trong những ưu tiên chính của Nội các”, ông Denkov nói.
Điều này sẽ có tác động thuận lợi đến người tiêu dùng Bulgaria – đặc biệt là những người có thu nhập thấp, và sẽ giúp đáp ứng các tiêu chí để Bulgaria gia nhập khu vực đồng euro (Eurozone), đây là một ưu tiên quan trọng khác của chính phủ.
Ông Denkov cũng cho biết thêm rằng chính phủ của ông sẽ kêu gọi nối lại nhập khẩu để đổi lấy khoản bồi thường bổ sung cho nông dân Bulgaria do EC cung cấp.
Trước đó, một ủy ban của Quốc hội Bulgaria vào ngày 12/9 đã thông qua dự thảo quyết định để Sofia dỡ bỏ lệnh cấm sau ngày 15/9. Quyết định cuối cùng dự kiến được thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 14/9.
Đi theo hướng ngược lại
Nếu Sofia dỡ bỏ lệnh cấm, Bulgaria sẽ đi theo hướng ngược lại so với chính sách của một số đối tác trong khu vực, đặc biệt là Ba Lan và Hungary.
“Nếu Brussels không có quyết định về việc gia hạn lệnh cấm hiện tại, thì chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp quốc gia riêng lẻ”, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết trong một bài đăng trên Facebook ngày 13/9.
Lệnh cấm mới của Hungary sẽ áp dụng cho nhiều loại sản phẩm từ Ukraine hơn các biện pháp hiện tại, ông Nagy cho biết thêm.
Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố sẽ đơn phương tiếp tục lệnh cấm nếu EC không gia hạn. “Bất kể quyết định tiếp theo của EC là gì, chúng tôi sẽ không mở cửa biên giới cho ngũ cốc Ukraine sau ngày đó”, một tuyên bố của Ba Lan vào ngày 12/9 nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng “lợi ích của vùng nông thôn Ba Lan là quan trọng nhất”.
Ba Lan là nhà cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo chính cho Ukraine và là nơi tiếp nhận khoảng 1 triệu người tị nạn Ukraine. Nhưng vấn đề ngũ cốc đặc biệt nhạy cảm với Warsaw khi quốc gia láng giềng Đông Âu chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng tới.
Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cho biết vào ngày 12/9 rằng ông đang nỗ lực để gia hạn lệnh cấm vận, đồng thời nói thêm rằng lệnh cấm này “hiệu quả và ổn định thị trường ở 5 quốc gia thành viên”. Ông Wojciechowski là cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan.
Bộ Nông nghiệp Romania cho biết, họ sẽ quyết định động thái tiếp theo sau quyết định của EC, nhưng nói thêm rằng nếu lệnh cấm không được gia hạn, “chúng tôi sẽ thực thi các giải pháp để bảo vệ nông dân của mình”.
Ukraine cảnh báo họ có thể đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế sau khi Ba Lan tuyên bố sẽ tiếp tục chặn dòng ngũ cốc từ Ukraine sang.
“Chúng tôi không có ý định làm hại nông dân Ba Lan. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ của người dân Ba Lan và các gia đình Ba Lan”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết hôm 12/9 trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter.
“Nhưng trong trường hợp vi phạm luật thương mại vì lợi ích của chủ nghĩa dân túy chính trị trước cuộc bầu cử, Ukraine sẽ buộc phải chuyển sang trọng tài WTO”, ông Shmyhal bổ sung.
Minh Đức (Theo RFE/RL, Sofia Globe)