Xem thêm:
>> Nóng: Tạm giữ tàu chở bùn bô xít từ Trung Quốc nhập vào Formosa
Như báo Người Đưa Tin đã đưa tin, chiều 15/9, một tàu hàng từ cảng Đại Liên (Trung Quốc) đã cập cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) đưa vào Formosa 160 tấn chất lỏng bô-xít. Sự việc dấy lên những quan ngại chất bùn thải này sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có nguy hại hay không?
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải bức xúc nói: “Đã từ rất lâu, nhiều nước thế giới đã phản đối việc bán chất thải phóng xạ, chất thải, than cốc… vì mức độ độc hại của chúng đối với môi trường và sức khỏe môi trường. Tôi tự hỏi, số bùn bô-xít được chuyển vào Formosa với mục đích gì. Chất này có được phép nhập vào Việt Nam hay không?”.
Nhắc đến chất thải bùn bô-xít, TS. Nguyễn Văn Khải cho hay, loại bùn này còn gọi là bùn đỏ và đã có những cảnh báo ở Việt Nam. Ở một số nước trên thế giới từng bị ô nhiễm nghiêm trọng vì bùn đỏ nên họ kiểm soát rất chặt chẽ chất này. Việc chất bùn thải bô-xít được tuồn vào Việt Nam cần phải được làm rõ mục đích là gì.
Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải.
Từ câu chuyện trên, TS. Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh đến nhiệm vụ của lực lượng hải quan, biên Phòng. Bởi nếu để tình trạng này xảy ra nước ta sẽ biến thành bãi rác công nghiệp. Chúng ta từng có bài học về than cốc Thái Nguyên, việc xử lý hệ lụy rất dai dẳng.
“Theo tôi các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn rác thải nguy hại như bùn bô-xít vào Việt Nam như báo phản ánh”, TS. Khải nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, để giám sát chặt chẽ việc “tuồn” rác thải vào Việt Nam, người dân cũng cần nâng cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.