'Bún chửi' lên CNN vẫn đông khách: Chẳng liên quan đến lòng tự trọng

'Bún chửi' lên CNN vẫn đông khách: Chẳng liên quan đến lòng tự trọng

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 4, 07/06/2017 09:45

Bên cạnh việc thể hiện "thái độ" với cách cư xử của chủ quán "bún chửi", nhiều người còn bức xúc khi thực khách đáp lại câu chửi tục bằng sự im lặng, một nụ cười hoặc bát bún đã húp sạch nước dùng.

Xi nhan Trái Phải - 'Bún chửi' lên CNN vẫn đông khách: Chẳng liên quan đến lòng tự trọng

 Hình ảnh bà chủ quán "bún chửi" ở Hà Nội trên kênh truyền hình CNN. 

Gần một năm sau khi hàng bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên được lên sóng truyền hình CNN, nhóm phóng viên nọ quay lại nơi đây và tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên vì quán vẫn "nườm nượp khách".

Thông tin này lại một lần nữa khiến các nhà đạo đức mạng phải đau đầu khi tìm không ra nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của dân trí, văn hoá cũng như lý do khiến bao lời răn dạy về miếng ăn mà họ tâm huyết viết ra gần một năm trước trơn tuột như loại đá mà người ta từng định lát ở 11 tuyến phố cổ Hà Nội.

Qua đôi mắt chỉ nhìn được những cảnh tượng đẹp đẽ, nhân văn (còn lại đều gây... ngứa), họ coi thường cách cư xử của chủ quán, càng không thể chấp nhận chuyện thực khách (gồm cả tầng lớp "cổ cồn trắng") đáp lại câu chửi tục bằng sự im lặng, một nụ cười hoặc bát bún đã húp sạch nước dùng. Họ khẳng định: "Ai không có lòng tự trọng mới đến ăn "bún chửi".

Cứ như thế, họ xót xa và nhục thay cho những người chưa từng gặp mặt, như thể họ nằm vùng lâu năm nên biết rõ người ta có còn lòng tự trọng hay đã đem xào dưa chua mấy bận.

Bát bún và lòng tự trọng vốn không liên quan gì đến nhau. Ít nhất, bà chủ quán không cần bổ sung thứ "gia vị" trừu tượng ấy vào bát bút dọc mùng "nóng hổi, thơm thơm, cay cay" mà đầu bếp Anthony Bourdain chịu nghe mắng để thưởng thức.

Vả lại, "nghệ thuật chửi" là một phần trong văn hoá Việt kia mà. Sao ta phải chối bỏ và gán cho nó cái mác xấu xa, như thể ta chưa bao giờ chửi để xả stress vậy. Đâu phải ngẫu nhiên mà thi thoảng trong giao tiếp, người Việt thay thế từ "chửi" bằng từ chỉ các loại hình nghệ thuật diễn xướng như tế, hát ca...

Không ai nuôi bà chủ quán ngoài chính bà và nghĩ rộng ra, là thực khách đến quán. Có muôn ngàn lý do khiến người ta chọn quán bún chửi chứ không phải quán cháo dinh dưỡng 15 phút lấy ngay hay những hàng ăn luôn có nhân viên mở cửa đọc điệp khúc "[Tên quán ăn] xin chào!". Vì hợp khẩu vị, vì tò mò, vì yêu quý chủ quán hoặc có lẽ, vì họ đã quá quen với việc sống chung với lũ như... tôi.

Có lần, tôi bảo:

- Mẹ mà bán bún chắc đông khách phải biết.

Mẹ tôi lúc ấy đang lúi húi quét dọn, thấy tôi giơ giơ cái điện thoại ra thì quắc mắt:

- Bán cái đầu mày ấy! Biết mày lười thế này tao đẻ cái trứng rán ốp-lết cho xong. Có đứng lên đi nấu cơm không thì bảo!

Tôi biết, mẹ tôi không muốn bán đầu tôi. Bằng chứng là bà đã sai tôi đi nấu cơm ngay sau đó.

Chửi mà không có ác ý, không vì mục địch mạt sát, hạ nhục người ta gọi là chửi yêu. Chẳng có ông bố bà mẹ nào khi mắng con: "Tổ sư mày!", "Cha tiên nhân bố nhà anh"... lại muốn "hỏi thăm" tổ tông theo hướng tiêu cực cả.

Trộm nghĩ, may là mẹ tôi quanh năm chỉ ở nhà nấu cơm, lau chùi nhà cửa và quát mắng chồng con chứ bà mà ham bán bún nữa chắc giờ này nhà tôi giàu to rồi.

Phong Lan

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.