'Bún mắng, cháo chửi' sẽ tự bị đào thải bởi quy luật thị trường?

'Bún mắng, cháo chửi' sẽ tự bị đào thải bởi quy luật thị trường?

Thứ 6, 06/01/2017 18:04

Những chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự của khách hàng sẽ bị các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh. Liệu thực tế có xảy ra như vậy?

Gần đây, trên một số trang mạng và dư luận xã hội đã diễn ra những tranh luận gay gắt liên quan tới văn hóa bán hàng, nhất là sau khi kênh truyền hình nổi tiếng CNN đăng tải các hình ảnh về quán “bún mắng, cháo chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội).

Nhiều người cho rằng chính những cơ sở “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” đã làm xấu đi hình ảnh người Hà Nội văn minh, lịch sự, hiếu khách trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng nói hơn ở chỗ, sau khi bão dư luận nổi lên, mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Những chủ hàng vẫn vô tiếp tục văn hóa, còn những thực khách vẫn tiếp tục nhịn nhục để được thưởng thức những bát phở, tô bún chất lượng cao.

Chính vì thế mà tới đây, Hà Nội sẽ ban hành Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đó những chủ kinh doanh có hành vi, cử chỉ, lời nói xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của khách hàng sẽ bị thành phố thu hồi giấy phép kinh doanh. 

Tuy nhiên nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu dự định này có khả thi? PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thế Long, Ủy viên Ban chấp hành hiệp hội UNESCO Hà Nội xung quanh vấn đề này. 

Văn hoá - 'Bún mắng, cháo chửi' sẽ tự bị đào thải bởi quy luật thị trường?

 "Bún mắng cháo chửi" gây bão dư luận khi lên truyền hình CNN.

Khó khả thi

Ông nhận định sao về việc tới đây Hà Nội sẽ xử lý những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có hành vi xúc phạm khách hàng?

Tôi không rõ các nước trên thế giới có quy định nào giống như vậy hay không nhưng đâu thể cái gì cũng quy vào luật hay văn bản được. Văn hóa bán hàng được hình thành dựa trên nền tảng là đạo đức xã hội. Những mối liên quan giữa chúng tới vấn đề pháp luật rất khó có thể quy ra thành những điều, những quy định cụ thể. Thế nào là xúc phạm khách hàng? Chúng ta có quy chuẩn gì để đối chiếu, phân định giữa khái niệm xúc phạm và không xúc phạm hay không? Thế nên tôi cho rằng việc này khó khả thi.

Có phải đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc khó thực hiện dự định trên, thưa ông?

Thực ra văn hóa ứng xử không phải là khoa học như luật học để có thể ban thành những quy định cụ thể khi cần là mang ra đối chiếu phán xử. Cùng một vấn đề nhưng cách diễn đạt có thể khác nhau hoàn toàn. Thế nên, tôi mới nói khó xác định nội hàm khái niệm xúc phạm là như thế nào.

Tuy nhiên, điều quan trọng thứ hai là ai sẽ đứng ra xử lý những trường hợp vi phạm? Thế rồi ai sẽ là người đứng ra phản ánh những vi phạm? Sẽ có cảnh sát phong tục ư?  Không lẽ thực khách khi đến ăn uống, thấy chủ hàng nói “mát mẻ” liền ghi âm, chụp ảnh lại để gửi tới cơ quan chức năng hay sao? Tôi cho rằng muốn thay đổi đạo đức xã hội, chúng ta phải sử dụng dư luận chứ không thể cái gì cũng đòi quản lý bằng văn bản. Không một cơ quan nào đủ khả năng giải quyết vấn đề này cả.

Văn hoá - 'Bún mắng, cháo chửi' sẽ tự bị đào thải bởi quy luật thị trường? (Hình 2).

 TS Vũ Thế Long: Dự định khó khả thi

Đừng chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người bán hàng

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?

Thời buổi kinh tế thị trường, nơi nào dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ tìm đến. Nếu chủ cơ sở “bún mắng, cháo chửi” không lịch sự thì chúng ta không đến nữa, đồng thời thông tin để mọi người cùng biết. Nếu tất cả mọi người cùng tẩy chay những quán ăn như vậy thì làm sao nó có thể tồn tại được? Đến lúc đó nó sẽ tự bị đào thải trước áp lực dư luận mà thôi.

Nếu nói vậy thì gốc rễ vấn đề vẫn nằm ở chính thực khách?

Đúng vậy. Tại sao những quán “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” vẫn hoạt động tốt bao năm qua? Đó là vì họ có khách hàng. Chúng ta từng chứng kiến nhiều thương hiệu lớn phải biến mất trên thị trường do khách hàng quay lưng.

Nếu những cửa hàng ăn uống trên vẫn tồn tại và ngày càng nổi tiếng thì chắc phải có lý do nào đó. Sự lệch chuẩn trong đạo đức xã hội thì thời nào cũng có và công cụ quan trọng nhất để điều chỉnh là dư luận xã hội. Một khi xã hội vẫn chấp nhận chúng thì mọi người phải đặt câu hỏi ngược lại xem tại sao lại như vậy? Đừng chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người bán hàng.

Nhưng rõ ràng cơ quan quản lý văn hóa cũng không thể mặc kệ cho mọi chuyện tự diễn ra được?

Ngay từ thời vua Minh Mạng thì người dân đã bị cấm quần không đáy. Trang phục là thứ dễ nhận biết đúng sai, ấy thế mà triều đình vẫn không cấm được người dân. Trong khi vấn đề chúng ta đang bàn ở đây liên quan tới văn hóa ứng xử và ngôn ngữ giao tiếp. Thế thì tính khả thi cao hay thấp chắc mọi người đều rõ. Tôi ủng hộ việc hướng tới một xã hội văn mình, lịch sự nhưng nếu sử dụng những biện pháp vừa nêu để hi vọng xã hội văn minh lên thì e rằng khó khả thi.

Xin cảm ơn ông!

 Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.