'Bún mắng, cháo chửi' tại sao vẫn đông khách?

'Bún mắng, cháo chửi' tại sao vẫn đông khách?

Thứ 3, 04/10/2016 16:06

Chính quan hệ ban phát - cầu cạnh thời bao cấp đã sinh ra một lớp người tiêu dùng không thật sự là người tiêu dùng, luôn tự ti khi mua hàng và sử dụng dịch vụ.

Trong chương trình có tên Parts Unknown, phát trên kênh CNN cách đây không lâu, người dẫn chương trình – đầu bếp Anthony Bourdain (người ăn bún chả với Tổng thống Barack Obama khi ông thăm Việt Nam vào tháng 5 vừa qua) đã giới thiệu tới khán giả quán “bún chửi” - một quán ăn nhỏ nằm ở phố Ngô Sỹ Liên (Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) chuyên bán các món bún như: bún sườn móng giò, bún dọc mùng...

Ấn tượng xuyên suốt chương trình là vẻ mặt đăm đăm của bà chủ quán cùng những lời nói mát mẻ như muốn đuổi khách đi kiểu như: “Quán chị không có mọc, em thích thì ra ngoài chợ. Mà tốt nhất là về nhà tự nấu lấy mà ăn nhé. Ở đây không làm. Đi luôn”. Ông Anthony Bourdain bình luận về những câu quát và cách ăn nói, khẩu khí của chủ quán là: “Đây là các giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà”, đồng thời cũng không quên chốt một câu khen đầy ý nghĩa rằng “đây là món ăn đặc sắc của Việt Nam”.

Văn hoá - 'Bún mắng, cháo chửi' tại sao vẫn đông khách?

 Bà chủ quán "cháo chửi" ở phố Ngô Sỹ Liên trên kênh CNN

Sau khi chương trình được phát sóng, nhiều ý kiến cho rằng trong xã hội ngày càng văn minh và khách hàng luôn được coi là thượng đế thì hình ảnh trên chẳng hay ho gì. Nó sẽ làm xấu đi hình ảnh người Hà Nội văn minh, lịch sự, hiếu khách trong mắt bạn bè quốc tế. Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, những quán này vẫn đông khách như thường.

Lý giải điều này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển cho biết: “Cùng là chửi nhưng dân gian có nhiều cách chửi khác nhau. Tôi thấy họ hay chửi yêu (kiểu: sư bố nhà anh …) hoặc khi thân mật đến mức nào đó thì họ có thể suồng sã với nhau rất thoải mái. Điều này người trong cuộc thấy bình thường nhưng người ngoài thì không thể chấp nhận. Tuy nhiên việc sử dụng những từ thô tục để mắng khách hàng như nhiều cửa hàng hiện nay là không nên”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS. TS Trần Lâm Biền phân tích: “Bún mắng, cháo chửi không phải là truyền thống mà nó chỉ xuất hiện vào khoảng những năm 90 trở lại đây. Tôi cho rằng, suốt những năm chiến tranh và những năm mậu dịch (tức thời kỳ bao cấp – PV), con người phải lo cái ăn, mặc, ở … nên khái niệm về dịch vụ không có. Tuy nhiên vào những năm 90 của thế kỉ trước, khi kinh tế phát triển thì người dân bắt đầu lục vấn tinh thần và rơi vào sự hụt hẫng.

Trong khi đó, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị truyền thống bị cạn mòn trong những năm chiến tranh đã không thể trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân. Chính sự hụt hẫng tinh thần đã đẻ ra rất nhiều những cái tệ mà bún mắng, cháo chửi là một biểu hiện. Không phải người bán hàng họ muốn chửi, mắng khách đâu mà họ kích được vào sự hụt hẫng đó nên dù bị chửi, khách hàng vẫn chấp nhận như một sự mới lạ, độc đáo. Đó mới là vấn đề."

Văn hoá - 'Bún mắng, cháo chửi' tại sao vẫn đông khách? (Hình 2).

 Phở xếp hàng ở phố Bát Đàn

Anh Quang Long, phụ trách truyền thông hệ thống nhà hàng Sen cho biết: “Đối với những đơn vị kinh doanh ăn uống, bên cạnh chất lượng thì dịch vụ là điều sống còn. Đôi khi khách hàng phản ứng vì một lỗi nào đó – có thể chưa chắc thuộc về nhân viên nhà hàng nhưng nếu chúng tôi xử lý không khéo, uy tín sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Nhiều người không hiểu tại sao những quán vừa bán hàng vừa mắng, chửi khách nhưng thực khách vẫn đông? Tôi cho rằng có ba lý do chính. Một là chất lượng sản phẩm tốt, hai là lượng khách quen đông, ba là tâm lý tò mò của khách hàng”.

Phạm Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.