Trước tin tức về việc “đoàn xe ma” chở một loại bùn thải từ các công trình xây dựng đổ xuống khu vực cửa biển thuộc quận Hải An (TP. Hải Phòng) mà PV báo Người Đưa Tin đã kỳ công điều tra phát hiện, nhiều chuyên gia lên tiếng nghi ngại về mức độ độc hại với sức khỏe con người.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Mọi chất thải ra môi trường nếu không qua xử lý đều độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh của con người”.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia về công nghệ sinh học, chất thải độc hại chỉ là một khía cạnh. “Điều quan trọng là những chất thải này cực kỳ khó chịu đối với cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta đều mong muốn có môi trường sống thơm tho, sạch sẽ, không ai thích sống ở nơi hôi thối, bẩn thỉu. Mùi hôi thối khiến con người có cảm giác cuộc sống không lành mạnh”, PGS.TS Thịnh nói.
Ông lo ngại, lượng bùn thải không được xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Bởi: “Chất độc hại ngấm vào nguồn nước, nước đi đến đâu dẫn theo chất độc hại đến đấy. Người dân dùng nước để sinh hoạt hay thậm chí tưới rau, tưới cây cũng sẽ nguy hại nhất định cho sức khỏe”.
PGS.TS Thịnh phân tích thêm: “Mùi như một chất chỉ thị để phát hiện chất thải không bình thường. Cũng giống như con mèo chạy qua có mùi hôi riêng, con lợn chạy qua có mùi hôi riêng... Thông qua khứu giác, con người có thể nhận biết mùi vị không bình thường để cảm nhận loại bùn thải là có vấn đề, không an toàn, cố gắng tránh xa. Tuy nhiên, đáng ngại nhất là những loại thải không có mùi nhưng vẫn độc hại. Lúc này cần phát hiện qua màu sắc, có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà khoa học”.
Không chỉ lo ngại về sự độc hại, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh còn băn khoăn đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi những vụ việc như thế này tồn tại trên thực tế.
“Về nguyên tắc, tất cả các nguồn thải phải được xử lý đến mức an toàn trước khi ra môi trường. Đã thấy bùn màu đen, có mùi hôi thì chắc chắn độc hại, không cần bàn cãi. Một doanh nghiệp có thể kiểm tra được chất lượng nguồn thải. Nhưng chi phí cho xử lý chất thải tương đối cao, tốn kém. Giả sử việc xử lý tốn kém một lượng A, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, họ chỉ cần bỏ ra một lượng B – nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền chi cho xử lý chất thải đó, để nộp phạt. Như thế, môi trường bị hủy hoại, người dân chịu hậu quả nặng nề”, PGS.TS Thịnh đưa quan điểm.
Về việc gây ô nhiễm môi trường của bùn thải, ông nói thêm: “Cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm. Có tình trạng môi trường càng ô nhiễm nặng, phong bì càng nặng. Việc xử lý vi phạm môi trường đặt lên bàn cân kiểu này cực kỳ nguy hiểm”.
PGS.TS Thịnh cũng nêu quan điểm, chở bùn thải đổ ra môi trường gây mùi khó chịu trong một thời gian dài như thế mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng là điều hết sức đáng ngại.
“Có thể do chính quyền làm ngơ, hoặc là không biết thật. Như thế là chưa làm hết chức năng của quản lý Nhà nước. Cơ quan chức năng địa phương phải chịu trách nhiệm, tôi bất biết lý do gì nhưng rõ ràng phải xem xét trách nhiệm cụ thể để xử lý. Người dân biết, báo chí phát hiện, tại sao chính quyền địa phương lại không biết?”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Cũng đưa quan điểm lo lắng về sự độc hại của việc bùn thải không qua xử lý ra môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi nghe thông tin đã tỏ ra nghi ngại: “Bản thân bùn bentonite không độc hại, nhưng khi nó tác động với những hoá chất khác sẽ tạo ra sự độc hại khó lường. Với hàng tấn bùn đổ ra biển như vậy, tôi nghĩ chắc chắn có những chất độc hại khác chứ không riêng là bùn bentonite. Mọi hành vi đổ thải độc hại ra môi trường đều phải xử lý nghiêm. Ngay cả việc đổ thải bừa bãi đã là một hành vi đáng lên án”.
Dương Thu