Thật ngạc nhiên khi tổng kết mùa chuyển nhượng hè vừa qua, Bundesliga (giải VĐQG Đức) lại vượt lên trên cả La Liga để giành một vị trí trong Top 3 giải đấu chi tiêu nhiều nhất. Con số thống kê sơ bộ cho thấy, ít nhất 233 triệu euro đã được 18 đội bóng hàng đầu nước Đức dành cho hoạt động mua sắm cầu thủ.
Con số khổng lồ ấy là kết quả của mô hình quản lý tài chính cực kỳ khoa học mà bóng đá Đức theo đuổi bấy lâu nay. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, chính sự khoa học ấy dường như lại khiến giải đấu này trở nên nhàm chán, khi dường như cả Bundesliga chỉ có mình Bayer Munich đủ sức hấp dẫn với các ngôi sao nổi tiếng.
Bayer Munich đã chi số tiền bằng 1/3 tổng chi của cả Bundesliga
Một giải đấu chưa thể vươn tầm
Nếu Luật công bằng tài chính được UEFA áp dụng ngay thời điểm này, Bundesliga chắc chắn sẽ là giải Vô địch quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất trong số các giải đấu hàng đầu châu Âu. Ở nền bóng đá mà sự khoa học trong công tác quản lý và tính bền vững trong chiến lược phát triển luôn được đặt lên hàng đầu, thì hiếm có chuyện các đội bóng chấp nhận phá vỡ khung lương trần của mình hay thổi giá chuyển chỉ vì một, hai ngôi sao cá biệt. Không nói đến Bayer Munich (với tư cách một ngoại lệ), thì ngay cả nhà vô địch Borussia Dortmund hay các đội bóng lớn như Schalke 04, Leverkusen đều cố gắng chi tiêu một cách căn cơ nhất, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa thu và chi.
Hãy lấy nhà đương kim vô địch Borussia Dortmund, đội bóng đang được xem là hình mẫu thành công về mặt quản lý và phát triển của Bundesliga làm ví dụ điển hình. Mùa hè này, họ đón về bản hợp đồng đắt giá Marco Reus (thực chất là mua từ tháng 1/2012) với giá 17 triệu euro. Nhưng ngay sau đó, Shinji Kagawa đã được bán cho Manchester United bằng mức giá tương tự. Mùa giải trước nữa, Dortmund cũng đã bán ngôi sao sáng giá nhất của đội là Nuri Sahin (cho Real Madrid), nhưng chỉ chi ra rất ít tiền để lấy về những gương mặt tầm tầm về danh tiếng như Guendogan thay thế. Tránh xa những ngôi sao thời thượng, Dortmund tránh được gánh nặng về giá chuyển nhượng, Nhưng đồng thời, cũng khiến họ ngoài Marco Reus, chẳng kiếm được gương mặt đáng kể nào.
Tình hình tương tự diễn ra ở Schalke 04. Trong ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng hè, ứng viên vô địch này chiêu mộ tiền vệ Alfellay từ Barcelona nhưng là theo dạng cho mượn miễn phí. Một thương vụ đáng chú ý khác là Hamburg tốn khoảng 10 triệu euro đón tuyển thủ Hà Lan Van Der Vaart trở lại từ Tottenham. Nhưng điểm chung giữa những thương vụ đáng chú ý nhất Bundesliga này là các ngôi sao đến với họ nếu không bị hắt hủi ở đội bóng cũ, thì cũng bị đánh giá là cao tuổi, sắp hết thời.
Tính rộng ra, trong top những món hàng chuyển nhượng "hot" nhất mùa hè như Eden Hazard, Luka Modric, Robin Van Perise, Lucas Moura, Oscar, Ibrahimovic hay Thiago Silva Bundesliga chẳng lấy về được một ai. Ngoại trừ Bayer Munich, 17 đội bóng còn lại của giải đấu này vẫn ưa chuộng những mục tiêu vừa túi tiền và đòi hỏi lương bổng dễ chịu. Những đội bóng như Dortmund hay Schalke 04 tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống đào tạo trẻ của mình.
Bundesliga đã không thu hút được những ngôi sao thời thượng
"Hùm xám" độc diễn
Với sự chặt chẽ như vậy, nên không hề ngạc nhiên khi các đội bóng Bundesliga dù chi khá nhiều vẫn chẳng được nói đến nhiều. Các hoạt động chuyển nhượng của Dortmund, Schalke 04 hay Weder Bremen quá trầm lặng. Và bởi vậy, điểm nhấn đáng chú ý nhất của giải đấu này, cuối cùng vẫn chỉ là Bayer Munich, đội bóng giàu truyền thống nhất nước Đức, dư thừa tiền bạc và lại đang khát khao đòi lại ngôi vô địch sau liên tiếp hai mùa bị Dortmund vượt mặt.
Mùa hè này, Bayer Munich mới bổ nhiệm Mathias Sammer lên giữ vai trò Giám đốc điều hành. Cựu tuyển thủ Đức này đã không làm các quan chức cấp cao của đội bóng thất vọng. Sau Euro 2012, lần lượt Mandzukic (Croatia), Xaquiri (Thụy Sỹ), Dante (Brazil) và đặc biệt là Javi Martinez (Tây Ban Nha) đã được đưa về. Tổng số tiền mà Bayer Munich phải chi ra cho 4 bản hợp đồng này đã lên tới 70 triệu euro. Trong đó, riêng một mình Javi Martinez đã ngốn 40 triệu euro, trở thành bản hợp đồng đắt giá kỷ lục suốt chiều dài lịch sử Bundesliga.
Màn độc diễn của đội bóng vẫn được gọi với biệt danh Hùm xám đã giúp khuấy động Thị trường chuyển nhượng Bundesliga rất nhiều. Nếu không có Bayer mang về Javi Martinez (dù cái giá 40 triệu euro bị chê là quá đắt đỏ), Bundesliga sẽ trải qua mùa hè mà không có nổi một ngôi sao thời thượng đáng kể nào. Giờ thì khác, Javi Martinez, người mang trên mình danh hiệu Vô địch Euro 2012 ở tuổi 22, hứa hẹn sẽ tạo ra một bước tiến dài cả về chuyên môn lẫn thương hiệu cho Bayer Munich.
Mùa giải mới bắt đầu được ba vòng. Nhưng hoạt động chuyển nhượng của các CLB có vẻ đã được thể hiện bằng kết quả trên sân. Bayer Munich đang độc chiếm ngôi dẫn đầu, giống như cách họ trở thành CLB Đức chi nhiều tiền nhất trong chợ cầu thủ hè. Chính họ, chứ không phải đương kim vô địch Dortmund hay bất kỳ cái tên nào khác, cũng đồng thời lại trở thành niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Đức tại đấu trường Cup châu Âu. Mà nói như thế, cũng có nghĩa là Bundesliga quả thực chưa thể được nâng tầm ngang hàng với La Liga hay Premier League. Lẽ đơn giản, một "cánh én" Bayer Munich chẳng thể "dệt" nên cả mùa xuân.
Bản hợp đồng đắt giá nhất Bundesliga bị kiện 5 ngày sau khi Thị trường chuyển nhượng chính thức khép lại, CLB Atletico Bilbao (Tây Ban Nha) tuyên bố sẽ xem xét gửi đơn kiện tới UEFA về hành động trái phép của Bayer Munich trong vụ chiêu mộ Javi Martinez. Theo đại diện Bilbao, thì Bayer Munich đã tự ý đưa Martinez đến Munich kiểm tra y tế mà chưa được sự cho phép. Và sau khi thực hiện kiểm tra y tế, thì 24h sau, Bayer Munich mới chuyển khoản 40 triệu euro cho Atletico Bilbao. Nếu bị UEFA xác thực vi phạm này, không loại trừ khả năng Bayer Munich sẽ gặp rắc rối lớn với bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Bundesliga. |
Gia Mẫn