Suốt quá trình được giao quản lý, chỉ đạo hoạt động nhà trường, ông Phạm Quang Vỹ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghiệp vụ công đoàn giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Trường nghiệp vụ GTVT) đã có những dấu hiệu vi phạm về mặt quản lý tài chính, về thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà trường, đặc biệt là sử dụng tài sản sai mục đích và không hiệu quả khiến tập thể cán bộ công nhân viên nhà trường bức xúc. Càng đặc biệt hơn, mặc dù công đoàn ngành đã có kết luận về những sai phạm trên nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm…
Mập mờ thu, chi
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, Trường này dưới sự chỉ đạo hoạt động của ông Phạm Quang Vỹ đã để xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng về tài chính. Cụ thể, tiền thuê địa điểm tại số 27 ngõ Giếng, phố Đông Các (Đống Đa, Hà Nội) để trường hoạt động từ năm 2008 đến nay, hàng tháng phải chi trả thực tế là 22 triệu đồng nhưng không hiểu sao trong hợp đồng thuê và chứng từ chỉ thể hiện mức giá 9 triệu đồng/tháng (chênh lệch 13 triệu đồng/tháng)?.
Kết luận kiểm tra định kỳ của Công đoàn GTVT Việt Nam
Hơn nữa, ông Vỹ chỉ đạo hoạt động nhà trường cho bảy cán bộ của Trung tâm Hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực GTVT (đơn vị trực thuộc trường) từ tháng 8/2009 đến năm 2010 không nhận được một đồng lương nào, nhưng vẫn bắt ký vào bảng nhận lương của nhà trường. Nguy hại hơn, ba tháng nghỉ hè (tháng 7/2008, tháng 7/2009 và tháng 7/2010), toàn bộ cán bộ nhà trường không nhận được lương nhưng vẫn phải ký vào bảng nhận lương (tổng số tiền gần 200 triệu đồng) để lãnh đạo nhà trường dùng chi các hoạt động khác?.
Hay như lớp chuyên tu bác sĩ đa khoa liên kết với Đại học Y Hải Phòng năm 2011 (lớp có 60 học sinh) thì ngoài các khoản thu chung, ông Vỹ còn chỉ đạo thu tiền đầu vào và khi nhập học thu thêm 3 triệu đồng/học sinh để chi tiêu cá nhân. Trong quá trình thanh quyết toán về việc xây dựng trường thì thực hiện trái quy định về xây dựng cơ bản như chuyển tiền cho bên xây lắp công trình 1,5 tỷ đồng không có chứng từ kèm theo mà chỉ ghi chuyển theo hợp đồng! Nhiều giấy tờ liên quan đến xây dựng trường còn thiếu như không có biên bản nghiệm thu công trình với số tiền gần 200 triệu đồng, nhật ký công trình, chứng nhận chất lượng công trình, thanh lý hợp đồng… đã dẫn đến hiện tượng không minh bạch trong thanh quyết toán tài chính, gây thất thu đối với ngân sách nhà trường…
Thanh tra, xử lý vi phạm... có như không
Tại kết luận của Công đoàn GTVT Việt Nam, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai sót của Trường nghiệp vụ GTVT. Theo đó, về quá trình thực hiện dự án xây dựng trường tại xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), toàn bộ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện và kết thúc dự án, tập thể lãnh đạo nhà trường đã có nhiều cố gắng để công trình hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010 và đến tháng 10/2010 đã cho trường Trung cấp Y dược Bắc Ninh thuê lại. Với số vốn đầu tư của công đoàn ngành là 1 tỷ đồng nhưng thực chất công đoàn ngành chỉ cấp qua ủy nhiệm chi cho trường 800 triệu đồng (do trừ nợ cũ 200 triệu đồng) nên trường đã phải huy động thêm nguồn vốn khác để đầu tư công trình.
Tuy nhiên, dự án này vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau: Toàn bộ số tiền chuyển cho đơn vị thi công xây lắp đều là tạm ứng theo hợp đồng là chưa đúng theo nội dung hợp đồng và Nghị định 99 của Chính phủ về quản lý xây dựng công trình. Ngoài việc tạm ứng lần đầu theo hợp đồng, còn lại là thanh toán theo giá trị công việc đã thực hiện, vốn tạm ứng được thu hồi dần vào các lần thanh toán. Việc thu hồi tạm ứng được bắt đầu ngay khi thanh toán lần đầu. Thời gian thi công theo hợp đồng từ 20/2/2009 đến 5/6/2009 nhưng công trình kéo dài đến năm 2010 và đến ngày 18/8/2011 mới có báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành. Ngoài nguyên nhân khách quan (do chủ đơn vị thi công bị bắt do vi phạm pháp luật ở công trình khác) còn có sự thiếu cương quyết, sát sao của chủ đầu tư (trường) mặc dù công đoàn ngành đã có văn bản đôn đốc nhắc nhở.
Về thực hiện công tác tài chính, hợp đồng thuê phòng học tại 27 ngõ Giếng, theo thỏa thuận trường phải trả cho Trung tâm giới thiệu việc làm 22 triệu đồng, tuy nhiên tại hợp đồng số 04/HĐ-TT ngày 1/1/2009 với Trung tâm chỉ thể hiện 9 triệu đồng/tháng, còn lại 13 triệu đồng trường phải thanh toán cho Trung tâm không có biên bản thỏa thuận hoặc phụ lục hợp đồng mà chỉ có bản đề nghị làm một số dịch vụ là chưa đảm bảo tính pháp lý. Công đoàn GTVT Việt Nam yêu cầu trường phải làm việc với Trung tâm để hoàn thành thủ tục này.
Một số chứng từ chi bồi dưỡng bằng tiền các trường mà trường liên kết để xin chỉ tiêu đào tạo là chưa đảm bảo tính hợp pháp của chứng từ. Các chứng từ thanh toán đều có giấy đề nghị thanh toán được Hiệu trưởng duyệt, tuy nhiên do mẫu giấy đề nghị thanh toán in sẵn, phần nội dung thanh toán quá ngắn nên khi viết đề nghị thanh toán chưa ghi được đầy đủ nội dung cần thanh toán?!
Về lương của những ngày nghỉ hè: Sau khi có ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, thay mặt BCH Công đoàn trường, Chủ tịch công đoàn trường đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng về việc trả lương những ngày nghỉ hè của cán bộ giáo viên, nhân viên (biên bản họp ngày 12/8/2009) và thống nhất hàng năm có kỳ nghỉ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường; trong thời gian nghỉ hè cán bộ giáo viên, nhân viên của trường không nhận lương, trường sẽ sử dụng số tiền đó cho việc đóng BHXH những ngày nghỉ hè, tham quan nghỉ mát, chi phí tìm việc làm. Việc trường cho một số CBCNV nghỉ hè không nhận lương nhưng vẫn chi lương và yêu cầu người nghỉ ký nhận vào bảng lương để lãnh đạo trường dùng nguồn này để dùng chi các hoạt động nói trên là sai với quy định về quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Vì sao chưa xử lý kỷ luật? Sai phạm đã rõ ràng nhưng hơn một năm qua, các cơ quan chức năng cấp trên vẫn chưa có các hình thức xử lý vi phạm một cách thích đáng, khiến không ít người tỏ ra nghi ngờ những uẩn khúc đằng sau vụ việc trên. |
Quỳnh Chi