Bùng nổ cuộc chiến vì khai thác dầu mỏ tại Alaska

Bùng nổ cuộc chiến vì khai thác dầu mỏ tại Alaska

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Greenspace cảnh báo nếu Shell đẩy mạnh khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực, thì toàn bộ hệ sinh thái nơi đây sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn.

Sau khi đã chi ra tới 7,5 tỷ USD cho công tác chuẩn bị kéo dài trong suốt 7 năm, Shell đã khoan những mũi khoan đầu tiên với độ sâu 40 mét tại vùng biển phía Tây Bắc Alaska, mở đầu cho các giếng khai thác dầu và khí đốt ở độ sâu hơn 2.400m.

Theo kế hoạch được phê chuẩn bởi Chính phủ Mỹ, Shell sẽ tạm dừng công việc khi các mũi khoan gặp tầng đá phiến chứa dầu, dự đoán nằm ở độ sâu khoảng 420m, để xử lý việc dầu tràn từ tầng địa chất này trước khi tiếp tục tiến sâu đến mỏ dầu và khí bên dưới đó chừng 2.000m.

Xã hội - Bùng nổ cuộc chiến vì khai thác dầu mỏ tại Alaska

Tổ chức Hòa bình Xanh giơ cao biểu ngữ phản đối Tập đoàn Dầu lửa Shell khai thác dầu tại Alaska

Các mỏ dầu ngoài khơi Alaska thuộc bể dầu Bắc Cực luôn là nỗi thèm khát của bất cứ tập đoàn dầu lửa nào trên thế giới. Theo một nghiên cứu năm 2008 của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trong phạm vi vành đai Bắc Cực có trữ lượng 90 tỷ thùng dầu, 1.669 tỷ m3 khí đốt tự nhiên và 44 tỷ thùng khí tự nhiên hóa lỏng, tương ứng với 13%, 30% và 20% trữ lượng từng loại của cả thế giới.

Tuy vậy, dự án này của Shell ngay từ những ngày đầu đã gặp không ít khó khăn. Thảm họa tràn dầu lịch sử trên vịnh Mexico năm 2010 do BP gây ra vẫn đang là nỗi ám ảnh của Chính phủ Mỹ, do đó, các biện pháp an toàn đang được thắt chặt hơn bao giờ hết đối với Shell Alaska. Hệ thống thu gom dầu tràn từ tầng đá phiến chứa dầu của Shell vẫn đang nằm lại cảng biển bang Washington chờ kiểm định.

Ngay cả xà lan vận chuyển hệ thống này cũng chưa được lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard) cho phép rời cảng do phải đợi kết quả đánh giá khả năng đi biển an toàn.

Ngoài các vấn đề kỹ thuật và thời tiết, việc khai thác dầu tại Alaska của Shell cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường, đặc biệt là Greenpeace (Hòa bình Xanh) - tổ chức luôn đi đầu trong cuộc chiến chống lại cơn sốt dầu mới ở Bắc Cực.

Tình trạng đối đầu giữa hai bên căng thẳng đến mức tòa án Alaska đã phải đưa ra một phán quyết yêu cầu Greenpeace luôn phải cách xa các dàn khoan của Shell ít nhất 1 dặm.

"Để đối phó, Greenpeace đã sử dụng máy bay không người lái dân dụng và tàu ngầm mini để giám sát các hoạt động của Shell. Hệ sinh thái Bắc Cực sẽ vĩnh viễn bị hủy hoại, các núi băng, gấu Bắc Cực, cá voi, hải cẩu và cả các rạn san hô mới được phát hiện. Tất cả sẽ chết!", một lãnh đạo Greenpeace phát biểu. Các nhà hoạt động còn tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu phản đối Shell tại 110 thành phố trên khắp 19 quốc gia.

Trong một kế hoạch dài hạn, tổ chức này đang tích cực vận động thành lập một "khu bảo tồn toàn cầu" chính tại Bắc Cực để ngăn mọi hoạt động khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và giàu trữ lượng nơi đây.

Đại diện của Shell khẳng định, dự án sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp và dịch vụ của Alaska vốn lệ thuộc nhiều vào dầu lửa. Shell cũng nhấn mạnh cho đến nay dự án đã tạo ra 1.800 việc làm chỉ riêng ở Alaska. Theo tính toán, khi đi vào vận hành, các giếng dầu này của Shell sẽ cung cấp cho thế giới khoảng 500 nghìn thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020, và nhanh chóng tăng lên đến 2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2030.

Thanh Tùng (Tổng hợp)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.