Bỏ đói và “nhốt” trong... chuồng gà
Có lẽ dư luận vẫn chưa quên được những lời khai rợn người trong phiên tòa xét xử gã chồng vũ phu đánh đập tàn nhẫn rồi nhốt vợ vào chuồng chó ở Từ Liêm (Hà Nội). Chỉ vì ghen tuông, Nguyễn Công C. đã nhẫn tâm trút trận đòn thừa sống thiếu chết lên người vợ. Dã man hơn, sau khi "dạy vợ" bằng những cơn "mưa đòn" C. đã nhốt vợ vào chuồng chó cho... bõ tức. Vụ việc chấn động đó tạm thời lắng xuống khi gã chồng tàn ác phải trả giá trước pháp luật với 18 tháng tù giam về tội làm nhục người khác.
Trong xã hội hiện đại, ít ai có thể nghĩ ra những kiểu hành hạ vợ như thời trung cổ giống như C.. Thế nhưng, mới đây dư luận một lần nữa phẫn nộ về việc một vị phó công an xã (Xuân Bình - huyện Sông Cầu - tỉnh Phú Yên) ngang nhiên "dạy" vợ bằng cách nhốt vào chuồng gà sau khi nói chuyện phải quấy bằng tay chân với vợ.
Ngày 6/9, ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), xác nhận vụ việc liên quan đến ông Lê Văn N., phó công an xã hành hung vợ rồi nhốt vào chuồng gà. Ông Khương cho biết thêm, xã vừa tiến hành thu gom, bàn giao cho công an thị xã Sông Cầu hàng chục tờ rơi do người dân địa phương phát tán tố cáo ông Lê Văn N., Phó công an xã này hành hung vợ.
Sau khi thu gom các tờ rơi, Đảng ủy, UBND xã Xuân Bình đi xác minh sự việc và kết luận: Sau khi ăn nhậu, ông N. về nhà gây sự với vợ, cãi vã rồi đánh vợ đến bất tỉnh. Khi thấy vợ ngã quỵ tại chỗ, ông N. đã lấy giỏ nhốt gà chụp lên người bà này.
Sự thờ ơ của chính quyền cũng là đất sống cho bạo hành gia đình.
Theo Bí thư xã Xuân Bình: Sau khi xảy ra sự việc, Đảng ủy, UBND xã đã ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông N. đồng thời sắp tới, chúng tôi sẽ đưa ông N. ra kiểm điểm trước dân để giải tỏa bức xúc cho người dân.
Không chỉ phụ nữ mới là nạn nhân của bạo hành gia đình, mới đây dư luận xôn xao về việc một nữ giáo viên ở Tây Sơn (Bình Định) đã bạo hành ngược với người chồng đang bị suy thận nặng. Theo đó, chỉ vì không chịu ký giấy vay tiền, ông Lê Ngọc T. (SN 1955, huyện Tây Sơn - tỉnh Bình Định) đã bị vợ nhốt trong nhà và bỏ đói trong nhiều ngày.
Ngày 4/9 ông T. cho biết đã có đơn gửi đến công an thị trấn Phú Phong, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Sơn, trường tiểu học Võ Xán 2 tố cáo bị vợ là bà Nguyễn Thị L. (SN 1966, giáo viên tiểu học) nhốt trong nhà đến gần chết.
Thật khó có thể liệt kê hết được các vụ bạo hành gia đình, bởi vấn nạn này đang xảy ra từng ngày từng giờ trên khắp đất nước. Người phụ nữ không chỉ bị bạo hành về thể xác mà còn có thể bị bạo hành về kinh tế, tinh thần và tình dục...
Bi kịch của sự ích kỷ
Sau 17 năm chung sống và có với nhau đến 6 đứa con, N.V.T. (SN 1962, ngụ tỉnh Long An) trở chứng, đam mê rượu chè, ghen tuông vô cớ và thường xuyên đánh đập vợ là chị H. (SN 1968). Công an địa phương đã nhiều lần xử phạt hành chính về hành vi bạo lực gia đình, T. vẫn chứng nào tật nấy.
Một lần, T. đánh vợ vỡ đầu, phải về nhà mẹ ruột tại tỉnh Bình Phước để điều trị. Vết thương chưa lành nhưng thương các con, chị H. trở về nhà và lãnh tiếp những trận đòn đến mức gãy tay, phải đi bó bột. Đứa con trai vào can ngăn cũng bị cha dùng dao chém thẳng vào đầu và cổ, phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 10/2/2013, T. lại nổi ghen, mài dao định chém vợ. Hoảng sợ, chị H. sang nhà con gái thứ ba cách đó khoảng 500m ngủ lại. Đêm 12/2/2013, T. gọi điện thoại cho chị H. nhiều lần không được, cho rằng vợ qua đêm với người đàn ông khác, T. nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử. T. chuẩn bị 1 khúc cây tràm, 1 cây búa, xăng, quẹt gas để làm hung khí, đồng thời lấy 100 viên các loại thuốc tây đâm nhuyễn. Khoảng 5h30 sáng hôm sau, khi vợ vừa về, T. dùng cây tràm đánh vào đầu rồi dùng búa chém liên tiếp. Trong cơn cuồng ghen, T. lấy chai xăng tưới lên đầu vợ rồi đốt. Sực nhớ chưa uống thuốc tự tử, T. dập tắt lửa rồi tìm thuốc uống. Sau đó, T. ôm vợ lên giường rồi đến nằm bên cạnh. Khi các con phát hiện đưa cả hai đi cấp cứu, chị H. đã chết. Với tội giết người, T. đã bị TAND tỉnh Vĩnh Long xử tử hình.
Điều đáng nói là tại phiên tòa phúc thẩm, khi HĐXX hỏi về động cơ giết người, T. "hồn nhiên" trả lời: "Vì tôi quá thương vợ nên mới làm như vậy?!".
Chứng kiến phiên tòa này, những người dự khán không khỏi xót xa. Bi kịch trên xuất phát từ sự ích kỷ, bê tha của T., sự cam chịu của chị H. và những đứa con cũng như việc giải quyết, xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương. Vì trước đó, T. đã có hàng loạt những hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ, con.
Những con số buồn
Theo thống kê của Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 178.847 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình với phụ nữ là 106.520 vụ, bạo lực gia đình với trẻ em là 23.346 vụ, bạo lực gia đình với người cao tuổi là 16.148 vụ.
Những vụ án thương tâm, những cái chết đau lòng xuất phát từ bạo lực gia đình đang diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội. Gia đình - nơi được gọi bằng hai tiếng thân thương "tổ ấm" nhưng đối với nhiều người đã trở thành "địa ngục trần gian". Nỗi đau từ những bản án và vết thương tâm hồn mãi là sự ám ảnh kéo dài trong suốt cuộc đời nhiều con người.
Lý giải tình trạng này dưới góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, xung quanh câu chuyện bạo lực gia đình là do đạo đức xã hội đang bị xuống dốc, con người ta đang mải mê theo đuổi những giá trị vị kỷ, chủ nghĩa vị kỷ lên ngôi, chỉ biết đến mình mà thôi. Điều này cũng phản ánh một mặt của đời sống thị trường, kiếm tiền bằng mọi giá. Lâu nay nhân danh chiêu bài coi trọng hơn tự do cá nhân, giải phóng cá nhân để bào chữa cho những động cơ thấp hèn bên trong.
Quốc Triều - Hà Khuê