Sáng 23/1, trao đổi với PV báo Tiền Phong, lãnh đạo công ty CP Cảng Quy Nhơn xác nhận đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên và đã nộp phạt xong.
Quyết định xử phạt do ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam (bộ GTVT) ký, đối với công ty CP Cảng Quy Nhơn về hành vi cung cấp dịch vụ tàu lai dắt đối với tàu thuyền vào, rời cảng cao hơn mức giá tối đa do bộ GTVT quy định tại Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT ngày 1/12/2016.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Giám đốc thường trực công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm trên là do việc lai dắt đi lại tại khu vực Tân cảng Miền Trung và cảng Thị Nại gặp khó khăn nên mới có phụ thu đối với các đại lý tàu.
"Việc phụ thu lai dắt các đại lý tàu đã thỏa thuận, chứ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau khi so sánh với Quyết định quy định của Bộ GTVT thì công ty đã vi phạm. Về quyết định xử phạt hành chính, công ty chúng tôi đã nộp phạt, việc này đã được xử lý xong", ông Phúc nói.
Ngoài ra, quyết định trên cũng buộc công ty CP Cảng Quy Nhơn trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch gần 424 triệu đồng do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra. Về điều này, đại diện công ty cho biết đang mời các đại lý tàu đến để trả lại theo đúng quy định.
Trước đó, báo điện tử VTV hôm 21/1 đưa tin, gần 20 hãng tàu, đại lý tàu biển đồng loạt phản ánh đến Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn từ năm 2017 về trước tự ý áp giá thu tăng 30% dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền vào cảng Thị Nại, Tân cảng miền Trung.
Thậm chí, từ năm 2017, bộ GTVT ban hành Quyết định 3863 về biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tàu tại cảng biển nhằm ổn định, bình đẳng trần giá với các dịch vụ này. Tuy nhiên, công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn không những không bỏ mức thu chênh lệch trên mà còn tiếp tục tăng 40%, vượt quy định của Bộ. Điều này khiến các địa lý, hãng tàu phát sinh chi phí, mất năng lực cạnh tranh.
Công ty CP Cảng Quy Nhơn thành lập năm 1976, do cục Đường biển (bộ Giao thông Vận tải) quản lý. Năm 1993, bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) Cảng Quy Nhơn.
Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đổi tên là công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Sau khi được cổ phần hóa năm 2013, đơn vị này nhanh chóng thuộc về doanh nghiệp tư nhân - CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Cuối tháng 5/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề nghị thi hành kỷ luật đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Nguyễn Văn Thiện, vì ông này đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng bộ GTVT về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc thanh tra vụ cổ phần cảng Quy Nhơn và phát hiện nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc giao đất cho công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và công ty CP Cảng Quy Nhơn trong việc đầu tư mở rộng Cảng.
Đáng lưu ý, quá trình chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước của Cảng này cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép bị kết luận là trái thẩm quyền, vi phạm quy định nên kết luận nêu rõ phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước.
H.Y (tổng hợp)