Điểm đến hấp dẫn giữa đại ngàn
Cách Tp.Buôn Ma Thuột hơn 20km, buôn Kuôp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người dân tộc Ê Đê và Mnông. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, người dân nơi đây vẫn kiên trì gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, từ âm thanh của cồng chiêng, điệu múa xoang đến những bài dân ca thắm đượm tình người.
Ẩm thực Kuôp cũng phong phú không kém, với các món đặc sản hấp dẫn như cơm lam, gà nướng, cá sông. Nhiều lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, mừng lúa mới và bỏ mả được tổ chức thường xuyên, mang lại không khí lễ hội vui tươi và đậm đà bản sắc văn hóa địa phương.
Vị trí địa lý của buôn Kuôp cũng đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch, nằm trên cung đường từ thác Dray Nur đến thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long). Điều này đã mở ra cơ hội để buôn Kuôp tận dụng lợi thế thiên nhiên nhằm thúc đẩy ngành du lịch.
Nhận thấy tiềm năng này, từ năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải tạo cảnh quan. Các hệ thống đèn chiếu sáng, thu gom rác thải, nhà vệ sinh và bãi đỗ xe được cải thiện, nhằm phục vụ cho sự phát triển du lịch. Những biển báo và thông tin du lịch cũng được lắp đặt để giúp du khách dễ dàng khám phá buôn Kuôp.
Chính quyền địa phương còn nỗ lực kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các khu vui chơi thể thao, gian hàng lưu niệm, ẩm thực, cùng với khu biểu diễn văn nghệ và diễn tấu cồng chiêng. Ngoài ra, việc khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát và làm rượu cần cũng được chú trọng.
Không dừng lại ở đó, các ngành chức năng còn tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng phục vụ khách du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch và bảo vệ môi trường, nhằm hỗ trợ người dân trong việc làm du lịch.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân địa phương, thời gian qua, buôn Kuôp đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Đến tháng 3/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã chính thức công bố mô hình du lịch cộng đồng tại buôn Kuôp. Đây không chỉ là sự kiện quan trọng đối với buôn làng mà còn đánh dấu một bước ngoặt cho huyện Krông Ana, khi buôn Kuôp trở thành buôn đầu tiên trong khu vực xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Dấu ấn của nữ cán bộ buôn
Những thành tựu nổi bật mà buôn Kuôp đạt được không chỉ là kết quả từ sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của người dân địa phương, mà còn mang đậm dấu ấn của một người phụ nữ thầm lặng – bà H’Phong Niê (SN 1958, dân tộc Ê Đê). Với vai trò Phó Bí thư Chi bộ và là người có uy tín của buôn Kuôp, bà đã góp phần quan trọng vào sự chuyển mình của buôn làng.
Theo bà H’Phong, trước đây buôn Kuôp từng là một khu vực rừng núi hiểm trở, cách trung tâm xã 8km. Nơi đây, những con đường đất gập ghềnh và trắc trở đã trở thành rào cản lớn đối với cuộc sống của bà con nhân dân và sự phát của địa phương. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp tự cung tự cấp, sản xuất các loại cây ngắn ngày như lúa rẫy, bắp, khoai mì với năng suất thấp, dẫn đến cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn.
Không chỉ vậy, tỉ lệ học sinh đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, kéo theo sự thiếu hụt về tri thức và gia tăng các tệ nạn xã hội như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Nhiều trường hợp trẻ em lập gia đình khi chỉ mới 13, 14 tuổi, hoặc thậm chí là những cuộc hôn nhân cận huyết thống. Thậm chí, rất nhiều hợp là anh em trong một dòng họ nhưng kết hôn với nhau, tạo ra nhiều hệ lụy.
Trước tình hình trên, từ năm 2018 đến nay, bà H’Phong đã cùng với ban tự quản buôn không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Bà H’Phong chia sẻ: "Công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ hàng đầu để định hướng nhân dân. Do đó, tôi đã cùng với lãnh đạo buôn đến từng hộ gia đình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, đưa ra các giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Khi người dân đã hiểu, họ sẽ ủng hộ và tích cực hưởng ứng mọi hoạt động của địa phương".
Sự tận tâm của ban tự quản buôn và những nỗ lực không mệt mỏi của bà H’Phong đã từng bước góp phần xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Người dân tập trung sản xuất, không ngừng học hỏi kinh nghiệm để trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều... nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, bà H’Phong còn vận động người dân bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, đã có 5 hộ gia đình trong buôn đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách, từ thu hoạch nông sản đến nấu các món ăn truyền thống. Gia đình bà cũng đã khôi phục nghề ủ rượu cần và sửa chữa nhà sàn truyền thống để đón khách du lịch.
Nhờ vào sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, con đường dẫn vào buôn Kuôp đã được xây dựng khang trang, kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế. Hàng ngày, trẻ em trong buôn đến trường đều đặn, tình an ninh trật tự cũng luôn được duy trì ổn định.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trong buôn đã đạt từ 45-50 triệu đồng/người/năm. Những ngôi nhà tạm bợ đã được thay thế bằng những căn nhà khang trang, kiên cố, mang lại diện mạo mới cho buôn làng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho hay, bà H’Phong là Phó Bí thư Chi bộ, người có uy tín và cũng là một trong những cán bộ chủ chốt của buôn Kuôp. Đảng ủy xã đã phân công giao nhiệm vụ cho bà cùng với tổ du lịch cộng đồng của buôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Kuôp đã từng bước được nâng cao, người dân thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng xả thải, phóng uế ra môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương.
Năm 2024, buôn Kuôp đã được tỉnh công nhận là buôn du lịch cộng đồng và được đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển buôn du lịch. Hiện nay, chính quyền xã cũng đang kêu gọi một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp thông tin, xã Dray Sáp có tiềm năng phát triển du lịch nằm trong cái tốp đầu của tỉnh. Trên địa bàn xã có hai cái cụm thác là Dray Nur và Dray Sáp thượng - hai cái di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di tích danh lam thắng cảnh. Thực hiện cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội và chương trình mục tiêu chúng ta phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Dray Sáp đã ban hành nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Trong năm 2024, lượng du khách đến với địa phương 30.000 lượt. Qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho bà con nhân dân.
Khánh Ngọc