Vụ bồi thường chưa có tiền lệ
Nói như lời của một chuyên gia, từ trước đến nay, chuyện tranh chấp giữa người dân với cơ quan chức năng không hiếm nhưng chỉ đến khi đưa nhau ra tòa, cơ quan công quyền mới thừa nhận sai sót của mình và chấp nhận bồi thường thiệt hại. Chúng ta đã có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuy nhiên việc thực hiện dường như còn rất hạn chế.
Trở lại với sự việc 2 tấn bạch tuộc, câu chuyện khởi nguồn khi lô hàng kể trên được vận chuyển từ sân bay Nội Bài đi Quảng Ninh qua địa phận tỉnh Hải Dương bị lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương yêu cầu dừng xe kiểm tra. Thấy lô hàng là bạch tuộc, lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương đã thông báo cho phòng cảnh sát môi trường (CSMT) tỉnh Hải Dương.
Sau đó, lực lượng này đã đưa xe ô tô cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính với lý do lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do không được bảo quản đúng quy trình, số bạch tuộc trên đã bị phân hủy dẫn đến hỏng hoàn toàn. Đau đớn khi mồ hôi công sức bỗng đổ xuống sông xuống bể, rất đông người dân đại diện cho các chủ hàng đã kéo đến phòng CSMT (công an tỉnh Hải Dương)... "bắt đền".
Câu chuyện càng trở nên phức tạp, khi cả hai bên đều đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho việc làm của mình. Cơ quan công an khẳng định, không có trách nhiệm bồi thường, trong khi nhiều chủ hàng dọa sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Độ "nóng" của vụ việc thậm chí khiến đích thân bộ trưởng bộ Công an ra công văn chỉ đạo công an Hải Dương khẩn trương xử lý vụ việc, bảo đảm quyền lợi cho bà con săn bạch tuộc Cần Giờ.
Gần 2 tuần sau khi xảy ra sự cố, hai bên đã có buổi đối thoại trực tiếp kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ, nhằm đi đến một tiếng nói chung. Cuối cùng, công an Hải Dương đã thừa nhận có "sơ suất và thiếu sót" đồng thời bồi thường cho ngư dân số tiền 650 triệu đồng. Niềm vui càng nhân lên bội phần khi cơ quan công an quyết định chuyển ngay số tiền 650 triệu đồng sau khi ký xong biên bản thỏa thuận.
Bài học chẳng của riêng ai
Như vậy, sau gần 2 tuần bền bỉ kiến nghị, những ngư dân xứ Cần Giờ đã đòi được quyền lợi chính đáng. Với nhiều người, số tiền 650 triệu đồng có thể không lớn nhưng với những ngư dân quanh năm sống chung với biển cả đó là cả một gia tài, là nồi cơm, mồ hôi, nước mắt, thậm chí xương máu của họ. Câu chuyện 2 tấn bạch tuộc đã khép lại với cái kết có hậu nhưng đã mở ra rất nhiều hy vọng cho những người dân chân lấm tay bùn. Họ hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự công bằng trong xã hội.
Khi được hỏi về dư âm sau sự việc 2 tấn bạch tuộc, rất nhiều người dân cũng như những cán bộ đương nhiệm đều cho đây là một tiền lệ tốt. Một số người, trong cuộc thậm chí còn mừng rơi nước mắt khi nghe đến cái kết có hậu này. Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Hà Tuấn Trung, nguyên ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương nhận định: "Đây là sự việc tương đối mới mà trước đây gần như chưa có. Bản thân tôi cũng chưa từng chứng kiến một sự việc tương tự. Theo đánh giá của tôi, đây là một tiền lệ tốt. Sự việc kể trên đã minh chứng cho tính công bằng của xã hội, bất kỳ là ai, cá nhân hoặc tập thể, dù là cơ quan công quyền, đã làm thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường".
Theo quan điểm của ông Hà Tuấn Trung, sở dĩ những sự việc tương tự vô cùng hiếm thấy bởi cơ quan công quyền thường mang tâm lý mình lúc nào cũng đúng, mình ở tầm trên, mình là người có quyền...
Đồng quan điểm, bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên phó Chánh án TAND tối cao khẳng định: "Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ và quyền được Nhà nước bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tự do cá nhân... Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ví dụ, có những vụ người ta không có tội nhưng lại xử họ có tội. Khi sự việc được làm sáng tỏ, cơ quan có thẩm quyền phải bồi thường thiệt hại về tiền bạc, danh dự, thậm chí phải công khai xin lỗi nhân dân".
Từ thực tế đó, việc công an tỉnh Hải Dương nhanh chóng bồi thường cho người dân là một tín hiệu tốt trong việc cơ quan Nhà nước coi trọng lợi ích hợp pháp của người dân. "Theo tôi, sai thì sửa. Cơ quan công quyền phải đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình. Không phải vì cái "tôi quyền lực" mà thoái thác trách nhiệm bồi thường với nhân dân. Qua đó người dân cảm thấy mình không bị ức hiếp, được pháp luật bảo vệ", bà Mai nhấn mạnh.
Cơ quan Nhà nước phải học tập Trong cuộc trò chuyện ngắn với PV, nguyên ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương ông Hà Tuấn Trung cũng dẫn lại lời của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh". Theo quan điểm của vị cán bộ lão thành này, sự việc công an tỉnh Hải Dương chủ động thừa nhận sai sót và nhanh chóng bồi thường cho người dân được coi là một bước tiến đáng hoan nghênh. Quyền lợi của người dân không chỉ được đảm bảo mà trên hết họ tin tưởng vào sự công bằng hiện hữu trong xã hội. Từ việc này cần nhân rộng ra nhiều nơi, nhiều tổ chức, đặc biệt là cơ quan Nhà nước phải học tập. |
Anh Đức