Sau Hội nghị trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" thứ 4 sau các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Danh xưng này chính là sự thừa nhận của đảng về quyền lực và vai trò được coi là tối cao của ông Tập trong đại hội đảng sắp tới.
Theo giải thích của giới học giả, cụm từ "hạt nhân" thường đại diện cho hình ảnh nhà lãnh đạo có quyền chấp thuận và phủ quyết tối cao. Thuật ngữ "lãnh đạo hạt nhân" được sử dụng bởi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình hồi cuối năm 1989 để mô tả ông Mao Trạch Đông, bản thân ông và người kế nhiệm của mình - Giang Trạch Dân.
Việc thừa nhận chính thức ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo hạt nhân là sự xác nhận ông có sự nổi bật ngang hàng với các lãnh đạo kỳ cựu, đồng thời mở rộng quyền lực của ông trước kỳ đại hội đảng quan trọng vào năm tới.
Nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh Zhang Lifan nói rằng với danh xưng mới, ông Tập được đảm bảo sẽ không gặp phải những "thách thức hay phản đối trong đảng". "Điều này có nghĩa rằng ông Tập có quyền phủ quyết chính thức trước mọi vấn đề - điều sẽ làm nên quyền lực thực sự của ông", chuyên gia Zhang nói trên SCMP.
Kerry Brown, học giả nghiên cứu về Trung Quốc từ Đại học Sydney nhận định danh xưng này là một sự công nhận của đảng cộng sản Trung Quốc về một nhân vật có tầm nhìn, tư tưởng, gắn liền với một phong cách lãnh đạo đặc biệt, phù hợp với vai trò xây dựng một đất nước Trung Quốc hiện đại. Trong đó trung thành với sự lãnh đạo của đảng được là nguyên tắc tối quan trọng.
Uy tín của ông Tập Cận Bình ngày một tăng lên sau khi phát động chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có mang tên "đả hổ diệt ruồi". Đã có hàng loạt quan chức thuộc hàng cao cấp như Bí thư tỉnh ủy và Ủy viên bộ chính trị sa lưới. Kế hoạch không khoan nhượng này đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng và quyền lực của ông Tập thêm phần được củng cố.
Theo Alice Lyman Miller, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover, giảng viên khoa Đông Á tại Đại học Stanford nhận định, với vai trò mới này, ông Tập sẽ tập trung được nhiều quyền lực hơn trong việc nắm giữ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông Tập đang thực hiện kế hoạch cải tổ đầy tham vọng trong đó có động thái cắt giảm tới 300.000 quân nhân.
Sau một thời gian được cho là không kiểm soát được quân đội, giờ đây các tướng lĩnh cấp cao và cơ quan ngôn luận của PLA đều kêu gọi các sĩ quan, binh sĩ ủng hộ thể hiện sự trung thành đối với ông. Là một bộ phận quan trọng trong nền chính trị đất nước, việc kiểm soát PLA là một yếu tố then chốt đối với quyền lực của nhà lãnh đạo tối cao.
Sự ủng hộ ông Tập vào vị trí “lãnh đạo hạt nhân” chắc chắn sẽ có những hoài nghi về việc ông có thể thay đổi các quy tắc về chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm hoặc ông có thể tiếp tục tại vị sau năm 2022 khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc và ông phải về hưu theo đúng quy định của đảng. Tuy nhiên, bình luận viên Wang Xiangwei từ SCMP cho rằng điều này sẽ không dễ dàng, bởi dù tập trung được quyền lực mạnh mẽ trong tay, Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với những bất đồng chính trị nội bộ nếu muốn thực hiện điều này.
Ngoài ra, trong hội nghị lần này, các thông cáo đã nhấn mạnh quyền lực cá nhân sẽ luôn nằm trong khuôn khổ nhất định và các cá nhân đặc biệt trong đảng sẽ được tập thể kiểm soát chặt chẽ.
Trong một suy đoán khác, với vị trí "lãnh đạo hạt nhân" cùng việc hội nghị trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo tập trung, ông Tập có thể có thêm quyền lực để cắt giảm số Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị từ 7 người hiện tại xuống còn 5.
Khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập cũng đã giảm số Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị từ 9 xuống còn 7 so với thời ông Hồ Cẩm Đào. Giải thích cho quyết định này, chuyên gia Wang Xiangwei cho rằng ông Tập muốn giảm số lượng thành viên trong Bộ Chính trị để quá trình đưa ra quyết định bớt cồng kềnh và trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Quốc Vinh