Bước đi quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với “Rồng lửa” S-400

Thứ 7, 11/01/2025 06:00

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp hệ thống tên lửa S-400 vào cấu trúc phòng không quốc gia được coi là bước đi quan trọng trong chính sách quốc phòng của nước này.

Trang Army Recognition hôm 8/1 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã thành công trong việc tích hợp hệ thống phòng không S-400 Triumf mua từ Nga vào cấu trúc phòng không quốc gia, đánh dấu bước tiến trong khả năng phòng thủ của quốc gia liên lục địa Á-Âu.

Bài viết từ các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như Turkish Minute và TurDef, xác nhận rằng "Rồng lửa" S-400 sẽ được kết nối với nhiều công nghệ phòng thủ khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả hệ thống phòng không quốc gia SIPER.

Sự tích hợp này là một phần trong sáng kiến rộng hơn của Ankara nhằm tăng cường khả năng phòng không thông qua hệ thống chỉ huy và kiểm soát HAKIM 100.

Được phát triển bởi nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ Aselsan, hệ thống HAKIM 100 sẽ hợp nhất nhiều nền tảng, bao gồm cả tài sản của NATO, thành một mạng lưới thống nhất. Điều này sẽ cho phép các chỉ huy quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận tổng quan toàn diện về không phận dựa trên dữ liệu thời gian thực từ nhiều cảm biến và radar khác nhau.

Bước đi quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với “Rồng lửa” S-400- Ảnh 2.

Hệ thống phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất, có tầm bắn lên tới 400 km. Ảnh: New Arab

Mục đích của sự tích hợp này là cải thiện khả năng phối hợp và hiệu quả hoạt động của các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, HAKIM 100 sẽ bao gồm các thuật toán tiên tiến để đánh giá mối đe dọa và phân bổ vũ khí, với các bản cập nhật trong tương lai được lên kế hoạch kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) để tăng cường hơn nữa khả năng hoạt động.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức, việc tích hợp hệ thống tên lửa S-400 vào cấu trúc phòng không quốc gia được coi là bước đi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, trang Army Recognition cho hay.

Động thái trên cũng thể hiện nỗ lực của quốc gia này nhằm tăng cường quyền tự chủ quốc phòng và vị thế địa chính trị phức tạp của mình, cân bằng mối quan hệ với cả các cường quốc phương Đông và phương Tây.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Mỹ và dẫn đến việc Ankara bị loại khỏi chương trình F-35 và các lệnh trừng phạt sau đó. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi việc mua S-400 là điều cần thiết để tăng cường quốc phòng.

Việc nước này tiếp tục tích hợp S-400 vào khuôn khổ quốc phòng của mình cũng báo hiệu sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ của Ankara với NATO.

Chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Mark Rutte tới TUSAŞ, công ty hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm phát triển máy bay chiến đấu KAAN, nhấn mạnh sự hợp tác ngày càng tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh do Mỹ dẫn dắt.

Việc tích hợp các công nghệ quốc phòng tiên tiến, chẳng hạn như S-400, củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đồng thời đóng góp vào năng lực phòng thủ tập thể của NATO.

Nhìn về phía trước, hệ thống S-400 dự kiến sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho quốc gia này khả năng mạnh mẽ để chống lại nhiều mối đe dọa trên không. Tầm bắn lên tới 400 km khiến "Rồng lửa" trở thành một công cụ không thể thiếu để bảo vệ các khu vực phức tạp về mặt địa lý mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát.

Ngoài ra, sự phát triển liên tục của mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm S-400, hệ thống SIPER và các công nghệ khác, sẽ tăng cường khả năng răn đe và củng cố thế trận phòng thủ của nước này trước các mối đe dọa đang phát triển.

Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã tóm tắt lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và bảo vệ an ninh quốc gia của mình, bất kể áp lực bên ngoài".

Minh Đức (Theo Army Recognition)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.