Bước đi từ tài chính đến cà phê của giám đốc trẻ

Bước đi từ tài chính đến cà phê của giám đốc trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Andrew Nguyễn, tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thực phẩm và Đồ uống đang ấp ủ chiến lược kinh doanh thực phẩm mang phong cách Tây, giá Việt Nam với đối tượng khách hàng chính mà vị giám đốc trẻ này hướng đến chủ yếu là giới trẻ.

10h30 sáng, quán cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf tại cao ốc Kumho Asiana, TP.HCM đang đông khách. Điều đó phần nào đã cho thấy thành công của một quán cà phê. Chính vì vậy, Andrew đang điều hành chuỗi quán cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf và bánh mì kẹp thịt Subway, không giấu vẻ hài lòng trong cuộc trò chuyện với phóng viên.

Tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng đón cơ hội

Trước khi trở thành tổng giám đốc công ty Đầu tư Thực phẩm và Đồ uống, Andrew đã trải qua 6 lần thay đổi trên con đường sự nghiệp 10 năm qua tại Việt Nam. Những thay đổi ấy đã giúp Andrew tích lũy kinh nghiệm về thị trường, con người và văn hóa Việt Nam. Yếu tố này đã giúp anh đạt được những thành công tại quê nhà.

Xã hội - Bước đi từ tài chính đến cà phê của giám đốc trẻTổng giám đốc công ty Đầu tư Thực phẩm và Đồ uống, Andrew Nguyễn

Năm 2001, Andrew từ Mỹ trở về Việt Nam lần đầu tiên sau 26 năm xa cách. Đó cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang có những bước chuyển biến quan trọng. Khi đó, mục đích trở về của anh chủ yếu là khám phá và du lịch.

Hai năm sau, Andrew trở lại Việt Nam với vai trò là tổng giám đốc công ty Bank Training Center do chính anh thành lập. Trong một chương trình được công ty Tài chính Quốc tế thuộc ngân hàng Thế giới tài trợ, Bank Training Center đã huấn luyện nhân viên của 16 ngân hàng Việt Nam lúc bấy giờ. Chương trình giúp các học viên nâng cao kỹ năng và thay đổi tư duy trong công việc. “Đó là một trong những công việc tôi lấy làm thích thú vì nó có thể góp phần giúp các ngân hàng Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp”, anh cho biết.

Công việc đó cũng là cơ hội giúp Andrew tiếp cận môi trường tài chính Việt Nam một cách rõ nét. Andrew chỉ đi cùng công ty này 2 năm. Năm 2005, anh về đầu quân cho cơ quan Hỗ trợ Phát triển Mỹ và tham gia dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam. “Những ngày tháng này có ý nghĩa nhất vì thông qua Dự án, tôi được đóng góp trực tiếp một phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, anh nói. Trong Dự án, Andrew giữ vai trò tư vấn chiến lược phát triển phần mềm trên điện thoại di động cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam. Dự án đã mở đường cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam trở thành một mắt xích trong thị trường gia công phần mềm khu vực và trên toàn cầu. Dự án còn giúp Andrew hiểu thêm cách thức làm việc, quản lý của các cơ quan công quyền ở Việt Nam. “Tôi có khoảng thời gian đủ dài để đúc kết những kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, con người Việt Nam. Tôi cũng thêm am hiểu các thủ tục hành chính, luật pháp. Đây là điều không thể học trong trường mà phải tự học bằng chính trải nghiệm”, Andrew cho biết.

Mang phong cách mới về Việt Nam

Trò chuyện với chúng tôi, Andrew không giấu được vẻ hài lòng khi quản lý The Coffee Bean & Tea Leaf và Subway. Được thành lập năm 1963 tại Mỹ, đến nay The Coffee Bean & Tea Leaf đã có khoảng 712 cửa hàng, trong đó có 429 cửa hàng nhượng quyền (franchise). Subway, chuyên bán bánh mì kẹp thịt, cũng xuất phát từ Mỹ. Tại Việt Nam đã có 9 cửa hàng Coffee Bean & Tea Leaf và 3 cửa hàng Subway. “Tôi muốn chung tay mang những giá trị cao cấp đến với Việt Nam, dù biết bán các mặt hàng vừa túi tiền sẽ dễ hơn”, anh nói.

Coffee Bean & Tea Leaf và Subway nhắm tới phân khúc khách hàng thu nhập cao tại Việt Nam. Rõ ràng, kinh doanh những thương hiệu này là một sự mạo hiểm. Để người tiêu dùng Việt Nam chi 95.000 đồng cho một ổ bánh mì kẹp thịt chắc chắn là chuyện không dễ dàng.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của các thương hiệu này không phải nhỏ khi làn sóng chi tiêu hàng cao cấp của giới trẻ Việt Nam ngày càng cao. Theo thống kê của công ty Nghiên cứu Thị trường FTA, độ tuổi từ 22-29 tuổi rất chịu chi cho những mặt hàng thực phẩm, công nghệ, giải trí và làm đẹp, chiếm gần 65% tổng chi phí.

Franchise tại Việt Nam sôi động và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, Andrew cho rằng đó không phải là con đường dễ đi. Nguyên do là 2 trung tâm chính để tiến hành franchise là TP.HCM và Hà Nội ngày càng trở nên chật chội. Do vậy, ngoài 2 thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf và Subway, Andrew không có ý định mở rộng việc franchise thêm một thương hiệu khác. Thay vào đó, anh đang phác thảo một chiến lược kinh doanh thực phẩm từ những kinh nghiệm quý báu được đúc kết khi làm franchise. Cụ thể, Andrew đang ấp ủ chiến lược kinh doanh thực phẩm mang phong cách Tây, giá Việt Nam, mà khách hàng chủ yếu là giới trẻ.

Trong câu chuyện, Andrew thường xuyên đề cập tới những đề tài xoay quanh giới trẻ. Ngoài công việc kinh doanh, Andrew cho biết anh muốn mang những phong cách giải trí lành mạnh đến với giới trẻ Việt Nam. Đó là lý do công ty Đầu tư Thực phẩm và Đồ uống của anh tài trợ cho đội bóng rổ Saigon Heat. “Tôi rất ủng hộ dự án này, thay vì giải trí bằng những trò chơi điện tử bạo lực, việc cùng gia đình, bạn bè thưởng thức những môn thể thao gay cấn sẽ tạo môi trường trong sáng cho giới trẻ Việt Nam”, Andrew chia sẻ.

Theo NCĐT


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.