Bước đột phá trong đàm phán trần nợ công của Mỹ

Bước đột phá trong đàm phán trần nợ công của Mỹ

Nguyễn Thị Tuyết

Nguyễn Thị Tuyết

Thứ 5, 18/05/2023 12:13

Sau một thời gian dài đình trệ, các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ hiện đang chuyển sang giai đoạn mới và có khả năng cao mang về một thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Kevin McCarthy hôm 17/5 đã nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ 31.400 tỷ USD của chính phủ liên bang và tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc về kinh tế.

Sau một tháng bế tắc kéo dài, Tổng thống đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện đã đồng ý đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hôm 16/5. Một thỏa thuận cần phải đạt được và được cả 2 đảng thông qua trước khi chính phủ Mỹ hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình, ngay sau ngày 1/6.

“Chúng tôi sẽ đạt được sự thống nhất vì không có lựa chọn nào khác. Rõ ràng, cuộc đàm phán này là về ngân sách, không phải về việc liệu chúng ta có trả các khoản nợ hay không. Các nhà lãnh đạo (của Quốc hội) đều đã nhất trí rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ”.

Thỏa thuận trong tầm tay

Trong nhiều tháng qua, Đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện đã nhất quyết yêu cầu đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu để đổi lấy một thỏa thuận nâng trần nợ. Cả hai bên đã đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc trần nợ. Trên thực tế, trần nợ này cần phải được nới thường xuyên, vì chính phủ chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được từ thuế.

Thế giới - Bước đột phá trong đàm phán trần nợ công của Mỹ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer trò chuyện với Tổng thống Joe Biden trước cuộc họp về trần nợ tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 16/5. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, sau cuộc họp mới nhất tại Nhà Trắng, ông Biden nói rằng “Tôi nghĩ mọi người đã đến cuộc họp với thiện chí”.  Vị Tổng thống cho biết, các cuộc đàm phán về ngân sách vẫn tách biệt với vấn đề trần nợ, nhưng theo ông McCarthy, ông Biden “cuối cùng đã rút lại” việc từ chối đàm phán.

Khi được các phóng viên tại Điện Capitol hỏi liệu có thể đạt được thỏa thuận trần nợ vào thời điểm ông Biden trở về từ châu Á vào ngày 21/5 hay không, ông McCarthy trả lời “Có thể”. “Chúng tôi sẽ làm việc cho đến khi chúng tôi có thể đi đến sự thống nhất”, ông McCarthy chia sẻ.

Những bình luận tích cực của ông Biden và ông McCarthy cho thấy, cả hai đều tin rằng họ có thể nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp của đảng mình.

Nợ quốc gia hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD. Việc tăng giới hạn nợ sẽ không cho phép chi tiêu liên bang mới mà chỉ cho phép trả những khoản chi mà Quốc hội đã thông qua.

Các đường nét của một thỏa thuận đã bắt đầu hình thành, nhưng chi tiết về cắt giảm chi tiêu và thay đổi chính sách mới là nhân tố quyết định liệu Quốc hội đang bị chia rẽ có thể đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng với Nhà Trắng hay không.

Vướng mắc về hạn mức chi tiêu

Các đảng viên Cộng hòa đã đề xuất giới hạn tăng trưởng chi tiêu ở mức dưới 1%/năm trong 10 năm tới để đổi lấy việc tăng trần nợ lên 1.500 tỷ USD.

Các nhà đàm phán cũng đang chuẩn bị thu lại khoảng 30 tỷ USD viện trợ Covid-19 chưa sử dụng. Hiện tại, chính phủ Mỹ đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp do đại dịch và đang thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng cho những thay đổi về giấy phép nhằm tăng tốc độ phát triển các dự án năng lượng mà cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều muốn, mặc dù các chi tiết vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ không sẵn sàng chấp nhận giới hạn chi tiêu 10 năm mà đảng Cộng hòa đã thông qua trong dự luật của Hạ viện, mà họ muốn rút ngắn khoảng thời gian đó.  

Thế giới - Bước đột phá trong đàm phán trần nợ công của Mỹ  (Hình 2).

Trong một cuộc họp báo mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi đảng Cộng hòa cứ để Mỹ vỡ nợ nếu đang Dân chủ không chịu cắt giảm chi tiêu. Ảnh: CNN

Hôm 17/5, ông Biden cũng từ chối các yêu cầu công việc mới đối với các chương trình phúc lợi mà đảng Cộng hòa mong muốn trong gói nâng trần nợ.

Các yêu cầu công việc mở rộng đối với những người nhận chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung, chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo khó và trợ cấp y tế đã trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về trần nợ giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện.

“Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu công việc nào ảnh hưởng đến nhu cầu sức khỏe y tế của mọi người”, ông Biden khẳng định trước khi lên đường tới Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Trong khi đó, ông McCarthy đã bảo vệ lời kêu gọi của phe bảo thủ về các yêu cầu công việc, nói rằng chúng sẽ giúp ích cho nền kinh tế và thúc đẩy lực lượng lao động.

Nếu Mỹ vỡ nợ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ giảm 4% và hơn 7 triệu công nhân sẽ mất việc làm, theo ước tính của cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s. Theo dữ liệu của Moody’s, ngay cả một vụ vỡ nợ ngắn hạn cũng sẽ dẫn đến 2 triệu việc làm bị xóa bỏ.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, AP, USA Today)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.