Nga và Iran đã sẵn sàng tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở eo biển Hormuz, vào cuối năm nay, làm tăng nguy cơ đối đầu nguy hiểm với các lực lượng phương Tây ở vùng Vịnh, theo The Times.
"Một cuộc tập trận chung giữa Nga và Iran dự kiến sẽ được tổ chức ở Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận cũng có thể được tổ chức ở phía Bắc Ấn Độ Dương, bao gồm ở eo biển Hormuz", Chỉ huy Hải quân Iran Hossein Khanzadi tuyên bố hôm 27/7.
Thông báo này đánh dấu một mốc quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Tehran và Moscow, hai đối thủ cũ đã từng bước tìm thấy những mục tiêu chung trong cuộc chiến ở Syria, nơi họ cùng ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Assad.
Nhận xét về cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, Rajab Safarov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran tại Moscow, cho rằng cuộc tập trận chung là bước đầu tiên để đẩy Mỹ hoàn toàn ra khỏi vùng Vịnh và chấm dứt sự thống trị của Mỹ tại nơi có tầm quan trọng chiến lược.
Liên minh kỳ lạ của Mỹ
“Người Mỹ đang cảm thấy sự hiện diện và quyền kiểm soát đang mang đến lợi ích cho họ ở Vịnh Ba Tư sắp kết thúc”, chuyên gia Safarov nêu quan điểm.
Mỹ đã say mê chính sách trừng phạt đến nỗi điều này đã bắt đầu làm tổn hại lợi ích của chính mình, cũng như lợi ích của các đối tác trên toàn thế giới.
Giới phân tích đều chung quan điểm rằng, vòng căng thẳng mới ở vùng Vịnh xuất phát từ sự khiêu khích của người Mỹ, quốc gia được cho là đã đề nghị Vương quốc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar.
Về phần mình, Iran coi đó là một hành động không thể chấp nhận được và trả đũa bằng việc bắt giữ một tàu chở dầu của Anh trong vùng lãnh thổ nước này.
“Tổng thống Donald Trump đã khởi xướng cho việc thành lập một liên minh mới, lần này là để cung cấp an ninh hàng hải ở vùng Vịnh và kêu gọi người châu Âu và người Ả Rập tham gia sáng kiến đó. Nhưng không hiểu sao, người Mỹ đã quyết định không mời Iran - một quốc gia rất quan trọng đối với một liên minh như vậy. Họ là quốc gia có đường bờ biển rộng lớn nhất ở vịnh Ba Tư và vịnh Oman. Hơn nữa, các tuyến đường an toàn và hiệu quả nhất mở ra các đại dương trên thế giới đều chạy qua lãnh thổ của họ. Cùng với đó, người Mỹ cũng không mời Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc”, chuyên gia Safarov đặt câu hỏi.
Với sự vô lý ở trên, không phải ngẫu nhiên khi châu Âu ngay lập tức từ chối tham gia liên minh, ngoại trừ Anh. Bên cạnh đó, các quốc gia vùng vịnh Ả Rập cũng hiểu rằng họ sẽ bị biến thành “bia đỡ đạn” trong vòng căng thẳng mới. Do đó, không ai quan tâm đến việc tham gia vào sự leo thang của Mỹ trong khu vực.
Nga mở rộng quyền lực ở đấu trường mới
"Khái niệm an ninh tập thể ở vùng Vịnh của Nga lại trái ngược hoàn toàn, trong đó Moscow đảm bảo cung cấp an toàn trước hết là cho các nước trong khu vực, trong khi các quốc gia quan tâm khác có thể đóng vai trò quan sát viên”, chuyên gia Safarov so sánh.
Điều này dựa trên các nguyên tắc xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh lẫn nhau, đồng thời tôn trọng vô điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực.
"Ý tưởng của Mỹ về việc kiểm soát khu vực này là một thất bại, trong khi khái niệm an ninh tập thể của Nga ở Vịnh Ba Tư đang đạt được tiến bộ lớn khi giành được quyền lực và nhiều người ủng hộ hơn mỗi ngày”, Safarov kết luận.
“Kế hoạch tập trận Nga-Iran đầu tiên trong lịch sử sẽ giành lại quyền kiểm soát của Mỹ ở vùng Vịnh và chẳng mấy chốc, sẽ đẩy người Mỹ hoàn toàn rời khỏi khu vực này. Viễn cảnh như vậy sẽ có ý nghĩa chiến lược đối với an ninh toàn cầu".
Về phần mình, Nicole Grajewski - nhà nghiên cứu về quan hệ Nga-Iran tại trường đại học Oxford, cho biết: “Cuộc tập trận sẽ là bệ phóng cho Nga thể hiện sức mạnh của mình ở một đấu trường Trung Đông mới. Đây là một động lực cho sự hợp tác bên ngoài Syria. Nga coi Trung Đông như một khu vực mà họ có thể gây dựng trật tự theo ý mình và để chứng tỏ rằng Mỹ làm được thì Moscow cũng làm được”.