Cuộc tấn công gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib không nhằm mục tiêu vào người Kurd mà là hướng sự đối đầu đến Tổng thống Assad, đồng thời có nguy cơ khiến cho Iran mất chỗ đứng ở Syria.
Quan điểm này cho rằng Israel có thể lợi dụng sự xao nhãng của bộ ba Nga-Thổ-Damascus để tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria, chuyên gia Dmitri Shufutinsky nhận định trên JNS.
Kịch bản xấu cho Iran
Lệnh ngừng bắn gần đây giữa Ankara và Moscow sẽ không thể kéo dài. Điều này xuất phát từ việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cần giành được một chiến thắng toàn diện ở Idlib nếu ông muốn duy trì quyền lực ở Syria.
Cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria gần đây đã khiến hàng chục binh sĩ Syria cùng một số dân quân đồng minh với Iran thiệt mạng. Đáp lại, Iran cảnh báo Ankara nên cẩn trọng nếu không muốn nếm đòn trả đũa. Ngay lập tức, Iran đã gửi thêm dân quân đến hỗ trợ Damascus tái chiếm Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai của NATO và có đủ khả năng gây ra thiệt hại nặng nề đối với quân đội Syria. Mặc dù vậy, khả năng Ankara sẽ không dám khiêu khích Nga bằng cách phế bỏ quyền lực Tổng thống Assad hoặc trực tiếp giao chiến với quân đội Nga.
Các đối tác NATO khác cũng không cho phép Ankara thực hiện một bước đi như vậy. Không ai muốn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra, đặc biệt là ở Syria.
Tuy nhiên, có thể phương Tây và Israel sẽ cung cấp hỗ trợ ngoại giao và có lẽ là vũ khí hoặc tình báo cho Ankara, vì tất cả đều có chung mục tiêu: Làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Assad, đồng thời chứng minh rằng Nga không phải là người thống trị khu vực, cũng như hướng đến mục tiêu quan trọng hơn cả là đưa lực lượng Iran ra khỏi Syria.
Hiện tại, Iran và các lực lượng đồng minh đang ở trong một tình thế khó khăn. Chiến dịch trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến nền kinh tế của nước này rơi vào suy thoái.
Tướng lĩnh hàng đầu của Iran là Qassem Soleimani cũng bị ám sát bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 1, cùng với chỉ huy hàng đầu của lực lượng dân quân Shi'ite Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis.
Iran đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hoạt động quân sự ở Syria. Ở các vùng ảnh hưởng nước ngoài, lực lượng Iran ở Syria đang bị người Israel nhắm vào từ hướng Nam, ở phía Bắc là Thổ Nhĩ Kỳ, ở phía Tây bởi người Mỹ (từ các căn cứ Iraq) và có lẽ sắp tới là ở phía Đông bởi Taliban .
Một sự kết hợp giữa các mối đe dọa kinh tế, ngoại giao và y tế (dịch bệnh Covid-19), cũng như cuộc tấn công Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm xao nhãng sự chú ý của người Iran, người Nga và các thế lực khác, điều này sẽ giúp Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu quan trọng liên quan đến Iran ở Syria và Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải rời bỏ cuộc chơi?
Không chỉ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tự đưa mình vào thế khó bằng hoạt động quân sự mới nhất ở Syria. Trong khi đang bận rộn theo đuổi các kế hoạch ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể dành nhiều thời gian cho các mục tiêu khác ở Libya hoặc vấn đề người Kurd.
Người Kurd, cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, quan tâm đến sự suy yếu của Iran ở Syria và Iraq. Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xao nhãng, có khả năng người Kurd sẽ hành động để lấy lại một số lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi Ankara.
Trong lúc Nga và chính quyền tổng thống Assad mất tập trung, người Kurd có thể yêu cầu nhiều hơn từ họ trong một thỏa thuận chính trị mới ở Syria, hoặc hỗ trợ quân đội Syria chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt lý thuyết, điều này có thể dẫn đến quyền tự trị cho người Kurd hoặc một lời hứa về việc họ nhận được nhiều ảnh hưởng hơn sau này khi Syria thống nhất – một kịch bản mà Ankara không bao giờ mong muốn.
Với việc phải đối mặt với liên quân Syria-Iran và phải chuẩn bị cho khả năng xung đột mở rộng kéo theo Nga, Ankara không thể chia sẻ nguồn lực quân sự ở Libya hoặc chặn bước tiến người Kurd.
Tướng Khalifa Haftar có khả năng tận dụng tình huống này và chiếm giữ nhiều lãnh thổ nhất có thể từ các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Libya.
Ở kịch bản cuối cùng, có thể sự kết hợp giữa lực lượng quân sự Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các yếu tố bên ngoài, sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền Tổng thống Assad, khiến lực lượng Iran thiệt hại nặng nề và buộc phải rời khỏi Syria.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ cũng sẽ là người thứ hai buộc phải ra đi. Về cơ bản, cộng đồng quốc tế sẽ không thể chấp nhận việc Ankara ủng hộ của các phần tử cực đoan ở Idlib, cũng như không cho phép nước này kéo Nga và NATO vào một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Với trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận việc Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền vì lo ngại sẽ khiêu khích Nga quá nhiều. Nền kinh tế suy yếu của đất nước sẽ không cho phép Ankara lật ngược thế cờ ở Libya. Nga sẽ thành công trong việc duy trì quyền lực Tổng thống Assad và sẽ chiếm lại Idlib từ các chiến binh thánh chiến trong tương lai.
Như vậy, Moscow có thể sẽ kết thúc cuộc chơi Syria bằng sự thống trị duy nhất của mình sau khi trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ra khỏi bàn cờ quyền lực.
Điều này sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc chiến Syria-Israel và thậm chí, về mặt lý thuyết, có thể dẫn đến hòa bình giữa hai nước. Ngoài ra, kịch bản như vậy sẽ mang đến nhiều quyền lực hơn cho người Kurd ở Syria.
Như vậy, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không chỉ khiến Iran phải rời bỏ cuộc chơi mà khiến chính Ankara cũng mất “cả chì lẫn chài”.