Năm 2024 sắp tới sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng liên quan đến việc xác định phạm vi cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị cho cuộc tranh cử Tổng thống.
Đó là nhận định của ông Richard Sakwa, giáo sư danh dự về chính trị Nga và châu Âu tại Đại học Kent (Anh) và giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Moscow, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước TASS.
Phát biểu bên lề phiên họp thường niên lần thứ 20 của Câu lạc bộ Đối thoại Valdai (Valdai Discussion Club) hôm 2/10, vị học giả Nga có trụ sở ở Anh đã đánh giá triển vọng giảm viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev, đồng thời chỉ ra rằng năm tới sẽ đưa ra mọi câu trả lời.
“Năm tới sẽ là một năm định mệnh. Đó là cuộc bầu cử ở Mỹ và vấn đề cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ được giải quyết vào năm tới”, ông Sawa lưu ý.
Theo vị chuyên gia, đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy các nước phương Tây “có giới hạn của họ”.
“Kho vũ khí đang cạn dần”, ông Sawa nhấn mạnh, đồng thời bổ sung rằng “nhiều điều vẫn sẽ được quyết định trên chiến trường”.
Kiên quyết giữ quyền phủ quyết
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là hết năm 2023. Những ngày này, vấn đề tương lai viện trợ quân sự cho Ukraine đang trở thành chủ đề “nóng” ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Ở châu Âu, một cuộc họp bất thường của các Ngoại trưởng EU tại thủ đô Kiev hôm 2/10 đã không thể thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu euro cho Ukraine.
Hungary – một quốc gia thành viên EU và NATO có chung đường biên giới với Ukraine – đã kiên quyết giữ quyền phủ quyết đối với gói viện trợ kể từ tháng 5.
Budapest đã không hề lay chuyển lập trường, bất chấp những lời kêu gọi liên tục của ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối, người đã cố gắng hòa giải các tranh chấp song phương nhằm duy trì một mặt trận thống nhất trong việc hỗ trợ quốc gia Đông Âu đang chìm trong xung đột.
“Bằng việc đến Kiev, các Ngoại trưởng EU gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết và sự hỗ trợ cho Ukraine”, ông Borrell cho biết vào cuối cuộc họp, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
“Cam kết an ninh mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể dành cho Ukraine là tư cách thành viên Liên minh châu Âu”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU nói.
Ông Borrell không đề cập đến lập trường của Hungary và chỉ nói đơn giản rằng sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine sẽ tiếp tục “về mọi mặt”. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã không tham gia cuộc họp trên mà chỉ được đại diện bởi một cấp phó.
Còn ở thủ đô Washington DC, Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 30/9 đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời, cho phép chính phủ “xứ cờ hoa” tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày, nhưng không bao gồm khoản viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hôm 1/10.
Ông chủ Nhà Trắng cho biết rằng có “số lượng áp đảo các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện ủng hộ Ukraine”.
Chỉ đủ dùng trong “vài tháng nữa”
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy – một thành viên Đảng Cộng hòa đã làm việc với các đảng viên Đảng Dân chủ để dự luật trên được thông qua – dự kiến sẽ đưa ra một dự luật riêng về viện trợ cho Ukraine khi Hạ viện Mỹ nhóm họp trở lại.
Nhưng hiện tại chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy đang bị thách thức, sau khi Thượng nghị sĩ Matt Gaetz, một người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa, đề xuất kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông McCarthy.
Ở Bộ Quốc phòng Mỹ, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ chỉ còn hơn 5 tỷ USD trong kho để cung cấp vũ khí và hỗ trợ an ninh khác cho Ukraine sau khi Quốc hội Mỹ từ chối cấp thêm kinh phí.
Khoản tiền 5,2 tỷ USD gần tương đương với giá trị số vũ khí mà chính quyền ông Biden đã gửi cho Ukraine trong 6 tháng qua để chống lại Nga, nhưng các quan chức chính quyền cho biết không rõ số tiền đó có thể tồn tại được bao lâu. Nhưng với tốc độ viện trợ an ninh chảy đến Kiev như hiện tại, các quan chức tin rằng 5,2 tỷ USD chỉ đủ dùng trong “vài tháng nữa”.
Các quan chức Mỹ cho biết, các gói viện trợ thường đến 2 tuần một lần, và gói tiếp theo có thể đến vào cuối tuần này.
Nhưng vì không biết khi nào Quốc hội Mỹ sẽ phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine, nên Lầu Năm Góc có thể rất miễn cưỡng trong việc tiếp tục cung cấp các đợt thiết bị mới như thường lệ nhằm tiết kiệm chi phí bổ sung cho kho dự trữ của chính quân đội Mỹ, hoặc trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, ít nhất là cho đến ngày 11/11.
Và vào ngày 17/11, khi dự luật tài trợ tạm thời cũng hết hạn, thì không biết tình hình sau đó sẽ ra sao.
Hôm 2/10, Điện Kremlin tuyên bố rằng “sự mệt mỏi” trong việc hỗ trợ Ukraine sẽ gia tăng ở phương Tây. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói: “Sự mệt mỏi trước việc ủng hộ hoàn toàn vô lý dành cho Kiev sẽ gia tăng ở các quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở Mỹ”.
Peskov cho biết ông kỳ vọng Mỹ sẽ “tiếp tục tham gia trực tiếp” vào cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng sự mệt mỏi vì chiến tranh ở phương Tây sẽ tạo ra thêm “sự chia rẽ trong cơ chế chính trị” và dẫn đến “những mâu thuẫn”.
Minh Đức (Theo TASS, Euronews, WSJ)