Vấn đề đặt ra là kết quả của bước nhảy đó sẽ như thế nào, có thực sự đạt được độ xa cần thiết hay dôi khi chi là một sự xê dịch tương đối khỏi cái trạng thái chôn chân trước đó. Và khi thực hiện bước nhảy đó, người ta đang trong trạng thái gì, hưng phấn, hân hoan, sẵn sàng, hay là bị động kiểu dồn ép, tức nước vỡ bờ để rồi đôi chân muốn xổ tung, cảm xúc muốn vỡ òa.
Một điểm chung dễ thấy là khi phải thực hiện bước nhảy, dẫu cao thấp, xa hay gần thì con người ta cũng phải dùng lực, dù là nhỏ nhất để có thể di chuyển. Và chắc chắn khi đang trong trạng thái lâng lâng, trôi nổi giữa điểm đi và điểm đến, ít nhất trong đầu óc con người lúc đó sẽ le lói chút hi vọng về một bước tiến vững chắc, tốt đẹp hơn, dẫu vẫn biết cuộc đời thực sự không như là mơ, và không hẳn như mong đợi.
Ai bảo đường bằng mà không có sỏi đá hay vật cản chứ. Một tác nhân vô ý thức có thể tạo nên vô vàn mối hiểm họa “mượt mà” cho các khối óc giàu “viễn tưởng” về sự an toàn tuyệt đối. Vậy nên “cần tắc vô áy náy”, có làm gì thì cũng chú ý, suy nghĩ, xem xét kĩ càng trước khi quyết định chuyển dịch, hoặc chí ít là có xem xét trước khi xê dịch.
Tôi dàn trải cảm xúc cho một bài viết mà phân nửa nói về sự thay đổi, bởi nghĩ đến chính tôi và những ai đã, đang và sắp thực hiện bước nhảy trong cuộc đời mình. Dù trẻ, hay già, thực lòng tôi luôn cổ vũ sự cầu tiến và dám thay đổi. Có thể cuộc sống sẽ không tốt đẹp ngay khi ta thay đổi, hoặc những thành công từ sự thay đổi đó chỉ chóng vánh. Thay đổi cho phép con người ta cơ hội học hỏi, nhìn nhận và trưởng thành. Thay đổi cũng cho phép con người ta điểm tô vào bản nhạc đời những cung bậc thăng trầm, thi vị đầy màu sắc.
Ai đã đọc bài viết này của tôi, tôi tin rằng ít nhiều sẽ tìm ra câu trả lời cho khúc quanh trong cuộc đời mình, cho những quyết định của mình. Dù nó đã qua, hay đang tới, hãy mạnh dạn và đừng tiếc nuối khi thực hiện bước nhảy. Một bước nhảy để khẳng định rằng “Cuộc đời à, tôi là chính tôi”.
Lan Phương (Blog Việt)