Buổi chiều định mệnh
Như tất cả những buổi chiều khác, buổi chiều ngày 17/8, hai chị em cô bé Nguyễn Thị Thanh Th. (5 tuổi) và cậu bé Nguyễn Văn B. (3 tuổi) theo bố ra ngoài khu vực bể chứa nước của nhà máy lọc nước mini của xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng chơi.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, bố của Th. và B. là bảo vệ của khu bể nước mini này nên hai chị em mới được vào khu vực bể nước chơi như thế. Tất cả những đứa trẻ khác đều không được vào đây chơi. Thông thường, bố của Th. và B. sẽ vừa bán nước, sửa xe phía ngoài, vừa trông con.
Chiều ngày 18/08/2013, những người dân thôn 7, làng văn hóa Trúc Sơn, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng vẫn còn nhắc đi nhắc lại câu chuyện hai chị em nhà Th. và B. ngã xuống bể nước mini từ chiều muộn hôm trước. Bà Tĩnh, người gần xóm nhà anh Hiệp kể: “Hôm qua bố mẹ nó ngất lên ngất xuống, y tá phải trực 24/24h. Đến mình là người ngoài còn sởn hết cả da gà nữa là...”.
Chiều ngày 17/08, Th. và B. được bà nội tắm rửa sạch sẽ xong thì cho ra chỗ bố chơi. Khu trạm cấp nước mini của xã mà anh Hiệp làm bảo vệ kết hợp bán nước giải khát, sửa xe cách nhà khoảng 200m. Vợ anh Hiệp, chị Vũ Thị Loan mới sinh em bé được 1 tháng nên không có thời gian chăm sóc hai đứa lớn. Bình thường, gia đình anh Hiệp vẫn sinh hoạt cơm nước ở khu trạm cấp nước. Hai đứa trẻ vẫn theo bố mẹ ra đó nô đùa.
"Cái bể to, xây cao đã được bịt kín rồi. Còn cái bể tháo nước cho dân thì thành thấp và để hở. Cái bể đó cao hơn mặt đất khoảng 40cm, rộng khoảng 40cm, sâu cỡ 3m - 4m. Bình thường, hai đứa nó (Th. và B.) vẫn chạy nô đùa trên thành bể mà không sao nên bố nó cứ dửng dưng cho con chơi ở đó", một bác ở gần nhà anh Hiệp kể lại.
Khu vực bể chứa nước mà hai đứa trẻ hay nô đùa.
Hai đứa trẻ vẫn nô đùa trong khu chứa nước trong khi bố chúng ở ngoài bán hàng và làm việc khác. Mãi khi thấy im im, anh Hiệp mới đi tìm con thì phát hiện chúng đã nằm dưới đáy bể. Người dân nghe thấy những tiếng kêu gào vỡ họng của người cha... Những đứa trẻ được vớt lên thì đã quá muộn.
Theo kết quả điều tra của công an huyện Thủy Nguyên thì nguyên nhân cái chết của hai em là do bị đuối nước. 23h đêm hôm đó (17/8), gia đình đau đớn tiễn đưa hai đứa trẻ xấu số về bên kia thế giới trong những tiếng nấc nghẹn xót xa...
Từ lúc biết con mất, chị Vũ Thị Loan, vợ anh Hiệp đã kêu gào thảm thiết. Chị mới sinh đứa thứ ba được một tháng, vẫn trong thời kỳ kiêng cữ. Người thân cố trấn tĩnh vì sợ chị quá đau lòng mà bị hậu sản nhưng không ai ngăn nổi nỗi đau mất con của chị... Ngôi nhà của gia đình anh chị nằm ngay giữa cánh đồng. Người dân quanh xóm cứ thấy ai hỏi đến cái bể nước là biết sẽ hỏi đến gia đình chị Loan, anh Hiệp. Họ lắc đầu và nhắc đi nhắc lại: “Đừng hỏi han thêm vợ chồng nhà đó. Chúng nó khổ lắm rồi!”.
Mối họa đã được cảnh báo trước
Người dân địa phương thường quen gọi khu vực nhà máy nước mini của xã Đông Sơn là bể nước Đoàn thanh niên. Ông Vũ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Đây là một nhà máy lọc nước mini, trước là Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhà máy nước này đi vào hoạt động từ năm 2004 - 2005. Sau đó UBND xã giao cho công ty Minh Nguyệt quản lý. Ở xã có 1600 hộ, có mấy nguồn cung cấp nước sạch cho dân, nên nhà máy nước mini này chỉ phục vụ cho mấy trăm hộ dân của xã thôi.
Công ty Minh Nguyệt thuộc sự quản lý của anh Minh, chị Nguyệt, trú tại xã Đông Sơn huyện Thủy Nguyên. Khi công ty Minh Nguyệt đứng lên quản lý trạm cấp nước mini trên, Cuối năm 2011, anh Hiệp ở gần khu vực nhà máy nước nên xin mượn lại để lấy chỗ làm ăn. Vì hoàn cảnh gia đình anh Hiệp rất khó khăn, nợ nần chồng chất, con thơ dại, vợ chồng anh Hiệp cũng không có công ăn việc làm ổn định nên anh Minh đồng ý cho anh Hiệp mượn tạm. Bù lại, anh Hiệp sẽ phải trông nom khu trạm cấp nước thay anh Minh.
Ông Vũ Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cũng cho biết: UBND huyện có công văn yêu cầu UBND xã phải tuyên truyền thật mạnh về công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em ở địa phương. Hệ thống loa phát thanh của xã phát rất nhiều chương trình phục vụ tuyên truyền việc này. Các cơ quan, đoàn thể cũng có những nhắc nhở đối với các gia đình có trẻ em nên lưu ý phòng tránh cho các cháu.
Bản thân anh Hiệp cũng được anh Minh nhắc nhở nhiều lần về việc không được phép nấu cơm, cũng như sinh hoạt ở trạm cấp nước nhưng anh Hiệp đã bỏ qua những cảnh báo này. Trường hợp con anh Hiệp là trường hợp tai nạn đầu tiên ở trạm cấp nước kể từ năm 2004 đến nay.
Ảnh minh họa.
Mọi người cùng khổ
Khi con anh Hiệp mất, anh Minh đã đến thăm hỏi và viếng. Ai cũng thương cả hai người đàn ông này. Theo thông tin từ những người dân địa phương, bản thân anh Minh trước đây cũng là một người tay trắng. Do cần cù làm ăn, tích cóp nên có đồng ra đồng vào. Hai, ba năm gần đây, anh Minh cũng làm ăn khó khăn. Khu vực trạm cấp nước ở ngay mặt đường, anh Minh để anh Hiệp làm ăn ở đó kiếm đồng ra đồng vào nuôi vợ con.
Nhiều người bàn tán: Công tác đảm bảo an toàn cho trạm cấp nước đáng lẽ phải đặt ra đầu tiên mà anh Minh lại để bể không có nắp... Nhưng cũng nhiều người thông cảm: Bình thường có ai được ra vào chỗ bể nước đâu. Chỉ có gia đình anh Hiệp trông nom ở đó mới được cho con vào chơi...
Gia đình anh Hiệp thuộc vào hàng nợ nần "có tiếng" ở trong thôn. Ai cũng biết nhà anh nợ cũ, nợ mới triền miên trả mãi không hết. Anh Hiệp và vợ lại không có công ăn việc làm ổn định. Đã thế, bố, chú, bà anh Hiệp lại mắc bệnh ung thư. Họ liên tiếp ra đi trong vòng hai, ba năm gần đây. Rồi xảy ra việc của hai đứa trẻ tội nghiệp...
Theo ông Vũ Văn Bình, việc truy cứu trách nhiệm bây giờ là rất khó. Sau khi xảy ra sự việc, công an xã cũng như công an huyện đã về xác minh làm rõ sự việc. Vì hoàn cảnh gia đình nhà anh Hiệp quá khó khăn, vừa neo người, vợ mới đẻ, con mới mất nên các cơ quan, đoàn thể và bà con trong thôn, trong xã sẽ tích cực ủng hộ gia đình anh Hiệp về mặt kinh tế, động viên về mặt tinh thần cho gia đình anh chị.
Hoàn cảnh của nhà anh Hiệp rất khốn khó. Gần hai năm nay anh gia đình anh Hiệp buôn bán và thỉnh thoảng vẫn sinh hoạt ở khu trạm bơm. Anh Hiệp có hai đứa con nhỏ, một đứa đã đi mẫu giáo, một đứa đi nhà trẻ. Ngoài thời gian hai đứa con đi lớp, anh Hiệp cho chúng chơi loanh quanh khu trạm cấp nước.
"Nhiều người đến chơi chỗ vợ chồng nó (anh Hiệp, chị Loan - PV) đã nhắc nhở không cho trẻ con chơi gần bể nước nhưng vợ chồng nó vẫn để hai đứa chạy nô đùa trên thành bể. Thằng Minh nhiều lần thấy gia đình thằng Hiệp sinh hoạt ở khu trạm cấp nước đã nhắc nhở gay gắt là không được phép sinh hoạt ở trạm cấp nước, nhưng thằng Hiệp cũng không để ý. Không ai ngờ đến hậu quả lại đau đớn thế", một bác hàng xóm gần nhà anh Hiệp kể.
Tuyền Thắng