Tôi viết đến đây và tự hỏi liệu mẫu số chung cho những ngày thứ bảy khác đã quen thuộc của mình là gì? Ở lại văn phòng trong một trạng thái say rượu (tất nhiên là không phải trạng thái say rượu lý tính) và ngậm ngùi làm việc. Hôm nay, sau giờ tan học, tôi không vội vã tìm cái gì để nhét vào bụng và cũng không vội vã trở về cơ quan, một buổi tối thứ bảy khác lạ dần dần được vẽ ra trên một phương diện nào đó có vẻ giống với kiểu mà mình thích.
Tôi ngồi tĩnh lặng đọc sách ở một góc nhỏ của một trung tâm văn hóa ngay phố Tràng Tiền. Một chỗ lý tưởng, không tốn tiền nhiều và cũng không quá ồn ào và nặng nề dù phố thị chỉ cách đúng một tấm kính ngăn. Quyển sách của cô nhà văn núi rừng lần này lại khá đồng bằng, và gương mặt của chị cũng khác so với tôi đã từng tưởng tượng. Chị hiện đại với môi đỏ, tóc cong, tuy thế vẫn rất đẹp. Những người đàn bà trẻ viết dạo này đều rất đẹp.
Tôi lướt rất nhanh một vài tạp bút - thể loại văn học ỡm ờ khiến ta vừa suy nghĩ nhiều mà vừa thư giãn - một thể loại rất thích hợp cho những lúc cần đọc nhanh. Thú thật là tôi rất ít khi đọc sách dưới ngọn đèn vàng rọi xuống thế này, nó hơi xa xỉ và cũng hơi làm tôi mỏi mắt. Và đúng là sự mỏi mắt làm tôi buông sách xuống lúc nào không hay.
Xung quanh đông người dần. Người ta đến để xem Soireé Cabaret - đêm nhạc dành cho những tài năng mới. Nó được tổ chức có vẻ khá đơn giản ở sảnh trước của một viện văn hóa ngoại quốc. Ngoại quốc, Tây phương thì hẳn là sang trọng và cầu kỳ nên nhiều người bước vào đây cũng trong tâm thế cầu kỳ như vậy. Họ mặc quần áo diêm dúa, chọn cho mình một vẻ mặt diêm dúa và một nụ cười cũng diêm dúa như vậy.
Giờ tôi mới để ý là chỗ tôi chọn ngồi khá đẹp, góc khuất, nhưng lại đối diện trực tiếp với sân khấu đằng xa. Sân khấu rõ ràng là giản dị hơn rất nhiều so với những người bước vào đây. Một bục gỗ, những nhạc cụ để chỏng chơ một cách cố ý trên sàn, ánh sáng từ những ngọn đèn soi thẳng vào trần trụi và cố ý. Mọi thứ ồn ào dần và mất đi vẻ kín đáo e dè của cái sảnh lúc sập tối. Nhiều người đã tụ họp. Phần đông là người Việt, cũng khá nhiều người nước ngoài. Họ trung niên, im lặng và thỏa hiệp. Thỏa hiệp với cảm giác diêm dúa đang được soi rọi.
Cô gái bên cạnh tôi đi cùng đám bạn, chống nạnh theo kiểu Sharon Stones và chúm chím môi rồi lại xòe ra như nàng Julia Robert. Cô thường xuyên chống nạnh và ngả người ra rất duyên dáng, quý phái và rất Tây với nhiều từ đệm bằng thứ tiếng Anh Bắc Mỹ (tiếng Anh Mỹ của người Bắc). Tôi cũng sẽ dễ dàng thỏa hiệp với tư tưởng thật Tây đó nếu như cô không đột nhiên thêm vào hình ảnh đẹp đó một câu đệm rất chợ búa Việt Nam. Tiếng Tây thì thanh lịch còn tiếng Việt thì quay ngược 180 độ. Tôi hơi cảm thấy buồn...
Vị giác của tôi bị đánh thức bởi mùi rượu aperitif nồng nặc. Nhiều người đã cầm ly rượu để chuẩn bị tự thưởng cho mình một buổi tối khác lạ và diêm dúa. Nhiều người khác đứng chen chân và bắt đầu lắc lư theo một giai điệu tình ca nhạc Pháp nhẹ nhàng. Guitar thùng rất viễn Tây và lãng mạn.... Bài hát về một mái tóc nào đó tung bay trong gió. Gió kéo tôi trở về với một thực tế khác lãng mạn hơn cả bài hát đang nghe. Nhiều sợi dây khác nhau kéo người ta ra khỏi không gian này đến với không gian khác. Âm nhạc có sức hàn gắn nhưng cũng làm vết thương tưởng đã liền nhói đau thêm. Âm nhạc tạo ra gió, ra mưa, ra bão, ra biển, ra ta, ra nhân loại, ra cả cuộc sống không còn bó hẹp trong những hạn kỳ công việc.
Viết vài dòng! Đóng máy, rời khỏi không gian này, không ồn ào nữa. Ngày cuối tuần sẽ lại tiếp tục kỳ lạ bằng một chuyến trở về. Nơi cũ. Cầu thốc gió. Ở đó mọi thứ có lẽ không diêm dúa và cầu kỳ. Duy chỉ có những bản tình ca sẽ vẫn mộc mạc dù ở không gian nào đi chăng nữa.
Bởi tình yêu vẫn luôn không cầu kỳ, không nhiều câu hỏi nên những bản tình ca cũng luôn như thế. Cứ hát đi. Hát bằng giọng mộc. Giữa một buổi tối cuối tuần giản dị. Và tôi biết, trái tim tôi cũng luôn mộc và vẹn nguyên giản dị như vậy.
Lê Thắng