Trưa định mệnh...
Giữa cái nắng nóng ban trưa của tiết trời miền Trung, hình ảnh người đàn bà xấu số ấy nằm thoi thóp bên vỉa hè, xung quanh là đám đông đang vội vã đón xe của người đi đường để chở chị đi cấp cứu, thật sự đã rất ám ảnh người viết. Và dù người viết cùng đồng nghiệp đã cố gắng đưa chị đến bệnh viện gần nhất thế nhưng mọi nỗ lực của các y bác sỹ để kéo sự sống trở về đã không thành.
Nhìn cảnh người nhà vội chạy đến bệnh viện để rồi nghe hung tin mà bật khóc trong đớn đau khiến những người chứng kiến ai cũng phải xót xa, rơi lệ.
“Chị ơi, mẹ không chịu nổi đâu! Anh chị mới về quê ở đó mà…”, ngoài sảnh phòng cấp cứu, trong nước mắt, cô em gái của người đàn bà xấu số ấy nghẹn lòng gọi trong vô vọng.
Chị là Hồ Thị Tr. (SN 1987), quê ở thôn An Thuận, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế).
Trưa ngày 9/8, trên đường lái xe máy đi làm, chị không may tự ngã rồi tử vong để lại 2 đứa con còn thơ dại trên đôi vai người chồng chưa có nghề nghiệp ổn định.
Trong ngôi nhà vợ chồng chị Tr. đang làm dở dang chưa kịp vào ở, di ảnh của chị được người nhà đặt nơi trang trọng nhất. Anh Nguyễn Duy Phương, chồng chị Tr. ngồi thất thần bên cạnh quan tài người vợ bạc mệnh với đôi mắt vô định. Một không khí tang thương bao trùm cả căn nhà. Hai đứa con thơ chưa thấu được nỗi đau mất mẹ vẫn vô tư, hồn nhiên trông đến thương cảm.
Bố chồng chị Tr. cho hay, hai vợ chồng anh Phương lấy nhau thì vào TP.Hồ Chí Minh làm nghề may. Tuy nhiên, do đợt dịch bệnh Covid-19 vừa rồi hoành hành khiến cả 2 vợ chồng thất nghiệp nên vợ chồng anh Phương cùng 2 con quyết định chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về Huế hi vọng bên ông bà nội cưu mang, cuộc sống sẽ đỡ phần vất vả hơn.
Hồi hương về quê nhưng chị Tr. mới được một công ty may mặc ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) tuyển vào làm việc được 1 tháng. Còn anh Phương vẫn phải ở nhà, chưa kiếm được việc làm.
“Cuộc sống vất vả, Tr. nó phải xin làm thêm ca để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí trong gia đình. Trưa ngày nó gặp nạn khi đang chạy xe máy ra công ty để làm thêm giờ ca trưa. Thời tiết nắng thế này, phận gái mà chạy máy hơn chục cây số sao chịu nổi”, bố chồng chị Tr. khuôn mặt không giấu nổi nét đau buồn chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Trọng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho hay, vợ chồng anh Phương là một trong những lao động hồi hương trở về địa phương do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên địa bàn xã Hương Toàn đợt dịch này cũng đón rất nhiều lao động từ miền Nam hồi hương về quê. Hiện một số đang được cách ly tập trung, số còn lại đã về với gia đình, tuy nhiên vẫn được địa phương giám sát để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Với lượng lao động lớn về quê, địa phương cũng đã tính đến các phương án để giải quyết công ăn việc làm cho các lao động hồi hương này. Tuy nhiên, hiện tại xã vẫn đang phải ưu tiên đảm bảo công tác cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh đã.”, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn chia sẻ.
… Bài toán về giải quyết việc làm cho những lao động hậu hồi hương
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động Thừa Thiên-Huế đang làm việc tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các tỉnh phía Nam liên tục hồi hương. Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hàng nghìn trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú. Ngoài ra, tính từ 28/4 đến nay, đã có trên 34.000 người từ các tỉnh/thành phố có dịch trở về không thuộc diện cách ly tập trung. Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, số người có nhu cầu ở lại Thừa Thiên-Huế làm việc chắc chắn sẽ rất lớn.
Nếu không giải quyết việc làm kịp thời, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về nguy cơ mất ổn định xã hội, tác động rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.
Câu chuyện đau lòng của chị Tr. chính là một ví dụ. Hai vợ chồng sau khi hồi hương, anh Phương chưa kiếm được việc nên mọi thu nhập chỉ trông nhờ vào vợ. Và khi gánh nặng thu nhập đè lên vai, buộc chị Tr. phải làm thêm giờ, tăng thêm ca để có thêm chi phí cho gia đình. Chính việc làm thêm ca trưa đã khiến chị phải đi xe máy hơn chục cây số giữa trưa nắng nóng nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc nói trên.
Hệ luỵ của việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp không chỉ là dừng lại ở việc làm mất thu nhập, ảnh hưởng đời sống của từng người dân mà còn kéo theo các hậu quả về tình hình an ninh trật tự xã hội. Đó là nạn trộm cắp, bài bạc… có thể gia tăng, bởi một khi không có công ăn việc làm, không có gì để mưu sinh thì rất khó có thể tránh được việc “bần cùng sinh đạo tặc” trong thời gian tới. Chính vì vậy, ngay lúc này, bài toán về giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là các lao động hồi hương nhằm bảo đảm an sinh xã hội là không thể không đặt ra.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế khẳng định, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác tạo việc làm, ổn định sinh kế cho người dân nói chung, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng. Riêng đối với lao động trở về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đang dồn lực để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương nghiên cứu nhiều giải pháp hữu hiệu nhất để tạo việc làm cho người lao động có nhu cầu ở lại làm việc tại quê hương, ổn định cuộc sống.
Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về. Bên cạnh đó rà soát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối người tuyển dụng với người lao động, nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với lực lượng lao động tự do, lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, Thừa Thiên - Huế cũng sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có, trong đó bao gồm Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề theo quy định, qua đó sớm quay lại thị trường lao động.
Lê Kông