Buôn bán đồ 'đặc chủng' công an, phạt tù đến 10 năm

Buôn bán đồ 'đặc chủng' công an, phạt tù đến 10 năm

Thứ 4, 05/06/2013 10:19

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc mua bán quân phục, cảnh phục, dụng cụ của ngành công an để giả danh làm cảnh sát nhằm cưỡng đoạt tài sản, đánh đập hoặc cưỡng hiếp người dân vô tội...

Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an và đe dọa đến sự bình yên của xã hội. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin về vấn đề này.

Chế tài nghiêm khắc

Thưa luật sư, những đối tượng mặc quân phục, sử dụng dụng cụ giống như của ngành công an để làm những chuyện phi pháp sẽ bị xử lý ra sao?

Điều 265 Bộ luật Hình sự quy định người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm. Trong trường hợp người nào tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp có số lượng rất lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 10-15 năm. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 20 năm hoặc tù chung thân căn cứ theo Điều 230 Bộ luật Hình sự.

Luật sư - Buôn bán đồ 'đặc chủng' công an, phạt tù đến 10 năm

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.

Được biết, các đối tượng phạm tội bị công an bắt về tra khảo thì đều khai rằng, việc mua bán quân phục, cảnh phục và các dụng cụ hỗ trợ quá dễ dàng nên các đối tượng đã lợi dụng điều này gây ra những hành vi sai trái. Vậy theo luật sư, những chủ cửa hàng tàng trữ quân trang của ngành công an đã vi phạm điều luật nào, cách xử lý thế nào?

Căn cứ Nghị định 59/2006/NĐ-CP đã quy định chi tiết về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, trong đó xác định rõ vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an bao gồm quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng để chế tạo... thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tịch thu hàng hóa. Thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 500 ngàn đồng đến 100 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hình sự, Điều 155 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

... Song quản lý lỏng lẻo

Trước thực trạng quân trang, quân dụng "nhái" của ngành công an được bày bán tràn lan ở nhiều nơi như hiện nay, về mặt pháp lý, các cấp các ngành nên có những biện pháp gì để chấm dứt tình trạng này?

Theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 47/CP ngày 1/8/1996 của Chính phủ thì bộ Công an, bộ Quốc phòng là những cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực quân trang, quân dụng, vũ khí, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng quân trang, quân dụng "nhái" được mua bán tràn lan trên thị trường đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan này. Ngoài ra, các cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra Nhà nước chuyên ngành cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Do đó, các cơ quan công an có thể tự mình hoặc phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, Hải quan để sớm phát hiện, xử lý kịp thời.

Việc những đối tượng giả danh lực lượng công an, cảnh sát để làm điều xấu ngày càng gia tăng, theo luật sư nguyên nhân là do đâu?

Tôi cho rằng thực trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, do quản lý kinh doanh, mua bán quân trang, quân phục ngành công an, quốc phòng hiện nay quá lỏng lẻo. Chỉ vài trăm ngàn đồng trong tay, đối tượng vi phạm có thể dễ dàng mua được bộ quân phục công an, bộ đội phục vụ cho mục đích phạm tội của mình. Thứ hai, tội phạm lợi dụng sự tin tưởng của người dân đối với ngành công an nên người dân ít có khả năng phân biệt chiến sĩ công an, người thực hiện công vụ giả và thật. Nếu người phạm tội không mặc quân phục giả danh công an thì rõ ràng hành vi phạm tội của họ có thể sẽ bị phản kháng hoặc bị bắt ngay tại chỗ.

Theo tôi, để người dân có thể tự bảo vệ bản thân và tài sản trước sự lừa đảo của những đối tượng giả danh công an, các ban ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về tình hình tội phạm, thủ đoạn của bọn tội phạm, cách phòng chống, cách phân biệt công an giả và công an thật. Nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ nâng cao nhận thức của người dân về các đối tượng. Lúc đó, các đối tượng sẽ không có điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội.

Xin cảm ơn ông!                             

Quyên Triêu (thực hiện)

Phát động cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.