Chỉ phạt cảnh cáo(!)
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ số vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) gia tăng là do một số quan niệm sai lệch của người dân về tính chất "thần dược" từ các sản phẩm từ ĐVHD.

263 kg vảy tê tê hiện đang lưu giữ tại kho của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội.
Mới đây, trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1980, lái xe khách mang biển kiểm soát Lào UN-3556, trú tại xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và ông Bùi Mạnh Phú, sinh năm 1960, lái xe mang BKS 30F-5494, trú tại xóm 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội vận chuyển tổng cộng 263kg vảy tê tê nhưng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Lô hàng vẩy tê tê có giá hàng tỷ đồng trên thị trường "chợ đen" và đã được bàn giao cho chi cục Kiểm lâm Hà Nội tiến hành xử lý. Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi vận chuyển loài động vật có tên trong "sách đỏ" Việt Nam và trong phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites) mà Việt Nam đã cam kết, chỉ là cảnh cáo và tịch thu tang vật!
Trước đó, Cục Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển hơn một tấn ngà voi bằng thuyền qua biên giới Việt - Trung ở khu vực Móng Cái gồm 221 đoạn ngà voi có tổng trọng lượng 1.061kg, được cất giấu, ngụy trang trong các bao tải dứa. Toàn bộ tang vật đã được đội Kiểm soát liên hiệp số 1 thuộc đội Kiểm soát Hải quan số 1 bàn giao cho công an TP.Móng Cái để xử lý.
Theo báo cáo của Phòng cảnh sát môi trường - Công an Hà Tĩnh, do lợi nhuận cao nên việc buôn bán ĐVHD quý hiếm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đầu nậu thường thuê người vận chuyển động ĐVHD từ nước ngoài về Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu tập kết vào nội địa, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, chúng đã táo tợn sử dụng phương tiện hiện đại, chạy với tốc độ cao, thường xuất phát vào đêm khuya. Trên xe có nhiều bộ biển số giả, thậm chí cả còi hụ, đèn tín hiệu... để "qua mặt" các ngành chức năng. Công tác xử lý liên quan đến ĐVHD rất khó khăn, vì khi bị bắt giữ các đối tượng thường bỏ trốn, cơ quan chức năng chỉ tạm giữ được tang vật chứ không xử lý được người vi phạm. Thậm chí, có tang vật thì không thể định giá được giá trị?!
Ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc cơ quan quản lý Cites Việt Nam.
Phải bị xử lý như tội buôn ma tuý
Quay trở lại vụ vận chuyển trái phép vẩy tê tê, theo tìm hiểu của PV, để có cơ sở xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng đã tiến hành lập Hội đồng định giá lô hàng 263kg vẩy tê tê (gồm đầy đủ thành phần như: Công an, Kiểm lâm, Tài chính) nhưng rốt cuộc không thể xác định được giá trị của lô hàng. Theo lý giải của trưởng phòng Thanh tra pháp chế, chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Trung Giang, vẩy tê tê trong lô hàng bị bắt này thuộc loài tê tê ở châu Phi, không có trên thị trường nên không có cơ sở để định giá?. Trong khi đó, nếu lô hàng lậu này được các đối tượng vận chuyển trót lọt sẽ có giá giao dịch trên thị trường "chợ đen" từ khoảng 12-15 triệu đồng/kg.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc "không xác định được giá trị của lô hàng" sẽ tạo tiền lệ xấu, không thể ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Vậy, lẽ nào các cơ quan chức năng đều "bó tay", không xác định được giá trị?
Trao đổi với PV, ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites Việt Nam) cho biết, do nhu cầu của người Việt về mặt hàng này mạnh nên Việt Nam trở thành nước trung chuyển ĐVHD nhiều nhất trong khu vực các nước Asean. "Ở trong nước, khi có những vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD bị bắt, mỗi tỉnh, thành lại có cách xử lý khác nhau, không đồng nhất. Điều đáng bàn, giữa văn bản quy phạm pháp luật và người thực thi vẫn có sự "vênh nhau" dẫn đến điều tra vụ việc không tới nơi tới chốn. Ví dụ, vừa rồi bắt hơn 20 tấn ngà voi ở cảng Hải Phòng, bên ngoài có ghi rõ địa chỉ, tên công ty nhưng khi gọi họ đến thì lại nói không phải của công ty. Trong khi đó bên thực thi lại không hề điều tra đến cùng, chỉ dựa vào những lời khai, rồi bỏ qua vụ việc. Trong 16 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác gần đây, chúng ta mới chỉ xử được một vụ duy nhất ở TP.HCM", ông Tùng dẫn phân tích.
Giá trị buôn bán ĐVHD trên toàn cầu ước tính ít nhất 5 tỷ USD và có thể lên đến 20 tỷ USD mỗi năm (số liệu tại hội thảo "Thúc đẩy truyền thông góp phần đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trái phép"- tháng 8/2012-PV). Với mức lợi nhuận "khủng" từ buôn bán ĐVHD, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý như tội buôn ma tuý! Ông Trần Việt Hưng-phó giám đốc trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng: "Nếu chúng ta coi sản phẩm ĐVHD như ma túy, thì bất kể hành động nào liên quan đến ĐVHD như: Mua, bán, sử dụng đều coi là vi phạm thì chúng ta sẽ cải thiện rất nhiều trong việc xử lý vấn nạn buôn bán ĐVHD hiện nay".
Chưa có đối tượng nào bị xử phạt nghiêm LS. Lương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết : "Đối với tội buôn bán ĐVHD hiện nay, mức xử phạt cao nhất là 7 năm tù và 500 triệu đồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, vẫn chưa có đối tượng nào bị phạt ở khung hình phạt cao nhất. Phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những lô hàng có khối lượng, giá trị lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Mức xử phạt này không thấm gì so với lợi nhuận của buôn bán ĐVHD mang lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chống các hành vi buôn bán ĐVHD hiện nay". |
Lan Anh