Lừa đảo, trấn cướp
Năm 2012, Phòng CSHS Công an Hà Nội khám phá thành công vụ giả danh quân nhân để lừa đảo “chạy” trường. Đồng thời bắt giữ Bùi Thị Hạnh, SN 1980, quê Hòa Bình.
Mặc dù chưa học hết cấp 3, song hễ đến chỗ đông người, Hạnh lại diện bộ quân phục sỹ quan, đeo quân hàm thượng úy, khoe đang công tác tại một Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng và có nhiều mối quan hệ có khả năng lo đầu vào các trường, học viện thuộc lực lượng vũ trang.
Tin tưởng vị sỹ quan dỏm, anh N.V.B ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã đưa cho Hạnh hơn 200 triệu đồng để nhờ “chạy” trường cho người nhà; anh Đ.V.T ở quận Đống Đa bị Hạnh lừa 400 triệu đồng khi nhờ đối tượng “chạy” dự án.
Tại CQĐT, Hạnh khai đã gây ra 18 vụ lừa đảo khác, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của các bị hại ở Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ.
Quân phục, cảnh phục nhái bày bán công khai (ảnh nhỏ) và cảnh phục cùng công cụ hỗ trợ bị thu giữ
Đầu năm 2013, Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội bắt quả tang Vũ Tuấn Anh (SN 1994, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mặc trang phục của CSCĐ, đứng chặn phương tiện tham gia giao thông tại khu vực dốc xóm Cát, Cao Thành, Ứng Hòa để kiểm tra và trấn tiền người vi phạm giao thông.
Trước đó, năm 2010, tổ công tác của Trung đoàn CSCĐ Hà Nội đã phát hiện 2 CSCĐ mặt búng ra sữa đang lượn xe máy tại khu vực SVĐ Mỹ Đình, nên đã bí mật theo dõi. Ngay sau khi 2 đối tượng chặn xe, nhận tiền hối lộ của người vi phạm, tổ công tác đã ập vào bắt giữ.
Tại thời điểm bị bắt, Nguyễn Duy Anh mới 17 tuổi, học lớp 12; còn “đồng đội” của Duy Anh là Nguyễn Quang Nhật, 15 tuổi, học sinh lớp 10. Tại cơ quan công an, hai đối tượng khai trong một lần đi chơi, đèo 3 bằng xe máy đã bị CSCĐ xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm hành chính.
Thấy các anh Công an “oai” nên hai đối tượng bàn nhau vay tiền lên phố Lê Duẩn sắm 2 bộ trang phục CSCĐ với giá 350.000 đồng/bộ. Để cho giống như thật, cả hai còn mua thêm mũ cứng, dán đề can chữ CSCĐ phản quang, dùi cui, ve áo… để đi tuần tra.
Mới đây, tháng 1/2013, TAND quận Long Biên (Hà Nội) xét xử 4 bị cáo giả danh lực lượng cảnh sát cơ động, vòi vĩnh tiền người tham gia giao thông. Cụ thể: Nguyễn Thanh Tùng (SN 1996, ở phường Gia Thụy, quận Long Biên); Nguyễn Thanh Hải (SN 1996, ở quận Hoàn Kiếm); Đỗ Mạnh Thắng (SN 1991, ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) và Hoàng Trọng Hiệp (SN 1995, ở phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cùng bị VKSND quận Long Biên cáo buộc phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, ngày 19/10/2012, trong trang phục cảnh sát cơ động, Tùng cùng các “chiến hữu” mang theo bộ đàm, đèn pin, dùi cui đi rình bắt các chủ xe máy không đội mũ bảo hiểm để phạt tiền.
Đến đoạn đê Tư Đình (quận Long Biên) phát hiện anh Phạm Bá Nhất (SN 1990) và Hoàng Văn Luận (SN 1993) cùng ở phường Cự Khối, quận Long Biên không đội mũ bảo hiểm, Thắng rú ga vượt lên, ép xe anh Nhất vào vỉa hè rồi nói: “Chúng tôi là tổ công tác 141, đang làm nhiệm vụ, yêu cầu xuất trình giấy tờ”. Sau hồi dọa nạt, nhóm “cơ động” này nhận 330 ngàn đồng từ anh Nhất rồi cho đi.
Khi đang tiếp tục chặn xe của một phụ nữ, những “cảnh sát giả” này đã bị cảnh sát "xịn” phát hiện, bắt giữ. Cuối phiên xử, các bị cáo bị tuyên từ 12 đến 15 tháng tù.
Công an Hà Nội kiểm tra, thu giữ quân trang tại các cửa hàng trên phố Lê Duẩn
Bán tràn lan quần áo lực lượng vũ trang
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực gần cổng các trường Học viện An ninh nhân dân trên đường Trần Phú (Hà Đông); Học viện Cảnh sát Nhân dân tại Cổ Nhuế (Từ Liêm); thậm chí ngay cả vỉa hè đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân); Lê Duẩn (Đống Đa) cũng được bày bán tràn lan trang phục của lực lượng vũ trang…
Mỗi bộ trang phục bộ đội, CSGT, CSND, quân đội được bán với giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Các bộ trang phục dành cho lực lượng vũ trang còn kèm theo cầu vai, mũ, thắt lưng thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, từ trung sỹ, thượng sỹ, thiếu úy…Đối với trang phục dành cho ngành CSGT sẽ kèm theo súng, còi, gậy, thắt lưng… chẳng khác gì các bộ trang phục dành cho CSGT.
Thượng úy Tạ Ngọc Khánh- đội phó đội CSGT số 7 cho biết, Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng trang phục CSGT được bày bán tràn lan trên vỉa hè, chúng tôi đã lập tức tiến hành kiểm tra.
Quá trình kiểm tra cho thấy, người phụ nữ bán trang phục lực lượng vũ trang nhái khai nhận là Đỗ Thị Hạnh (SN 1987, ở Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên). Chiếc xe chở số hàng nhai này mang BKS: 89H5- 4260.
Tại thời điểm kiểm tra, chiếc xe máy của chị Hạnh chở 50 bộ quần áo của lực lượng vũ trang với nhiều kích cỡ khác nhau. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ chiếc xe, sau đó phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (Chi Cục QLTT Hà Nội) tạm giữ 2 bộ trang phục.
Tại Đội CSGT số 7, chị Đỗ Thị Hạnh cho biết: Chị bán quần áo của lực lượng vũ trang tại TPHCM từ 2 năm trước, song không thấy ai nhắc nhở hay xử lý. Chị Hạnh đã nhập 100 bộ quần áo loại này để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội từ gần 1 tháng nay, hiện đã bán hết 50 bộ.
Theo chị Hạnh, nguồn hàng quần áo nhái lực lượng vũ trang được vận chuyển từ TPHCM, đơn vị cung cấp hàng cho chị có giấy phép kinh doanh.
Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra, chị Hạnh không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.
Nhiều cửa hàng từng bị xử lý
Năm 2011, đội chống buôn lậu Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 11 cửa hàng bán quần áo, giày dép tại phố Nguyễn Thiệp và phố Lê Duẩn.
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm bộ quân phục của lực lượng vũ trang, cùng nhiều giày sỹ quan, quân hàm có gắn sao, khuy áo, thắt lưng có chữ “CA”, số hiệu… Lượng hàng bị niêm phong, thu giữ lên đến hàng chục bao tải.
Trao đổi với PV , một cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế cho hay, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang…là những mặt hàng thuộc danh mục cấm kinh doanh. Cá nhân, tổ chức nào kinh doanh mặt hàng cấm này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý việc buôn bán quần áo màu công an, bộ đội vào hành vi “buôn bán hàng cấm” còn gặp nhiều vướng mắc. Các đối tượng chủ yếu bán hàng giả, hàng nhái trong khi đó Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa có đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cho quân phục, lễ phục.
Những bộ trang phục của ngành vũ trang không chỉ được bày bán tại vỉa hè mà còn được rao bán cả trên mạng internet. Những bộ đồ này được khá nhiều phụ huynh ưa chuộng mua cho con em mình, sau đó chụp ảnh và đưa lên Facebook.
Có thể truy cứu hình sự nhiều tội danh Theo Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn – phó chánh toà Hình sự, TAND TP Hà Nội, việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi. Theo luật sư Hằng Nga, cần chia tình huống cụ thể, giả thiết, người bán hàng trên mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng, có thể xem xét về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nếu những sản phẩm này chỉ là “hàng nhái”, vậy có thể xem xét đến hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 156 (BLHS). |
Theo Tiền phong