Hiện nay, trên thị trường xuất hiện việc buôn bán tràn lan các loại thuốc hướng thần, đặc biệt là các loại thuốc có tác dụng mạnh, gây mê nhanh cũng được tung ra thị trường bừa bãi.
Tình trạng này đã xảy ra từ trước đó rất lâu nhưng chỉ trong thời gian vừa qua, bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, những kẻ xấu đã lợi dụng tính năng đặc biệt của các loại thuốc hướng thần, gây mê này để giăng bẫy con mồi nhằm thực hiện các hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản...
Trong quá trình tìm hiểu của phóng viên, không phải quá khó khăn và mất nhiều thời gian để tìm mua được các loại thuốc hướng thần có liều lượng mạnh, tác dụng nhanh chóng.
Chỉ trong thời gian ngắn tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi có thể đặt mua được, đáng chú ý, một trong số các loại thuốc hướng thần ưa được sử dụng có thể kể đến Seduxen. Điều đáng ngạc nhiên là loại thuốc này được xếp vào các loại thuốc “gây nghiện” và được quản lý chặt chẽ. Thế nhưng, ở những khu vực chợ đen thì điều này không hề hấn gì.
Seduxen (benzodiazepin) là một loại có tác dụng chính là điều trị lo âu. Vì lý do đó, nó được gọi là “thuốc giải lo âu” hay “thuốc bình thần”. Bên cạnh tác dụng chính là chống lo âu, Seduxen còn có tác dụng làm giãn cơ, chống co giật và an dịu nên ngoài chuyên khoa tâm thần nó còn được sử dụng ở nhiều chuyên khoa khác.
Ở khoa gây mê hồi sức, Seduxen được coi như một loại thuốc tiền mê; ở khoa cơ xương khớp, Seduxen có thể được sử dụng trong những trường hợp co thắt cơ thứ phát sau chấn thương. Trong sản khoa, Seduxen được chỉ định để cắt cơn sản giật, ngoài ra nó còn dùng để điều trị những cơn dọa sẩy thai, đẻ non... Với người dân, Seduxen được biết đến rộng rãi như là một loại thuốc để điều trị mất ngủ.
Hiện nay, Seduxen được xếp vào nhóm thuốc “gây nghiện” nên việc mua bán Seduxen đã được quản lý chặt chẽ, tránh được hiện tượng lạm dụng thuốc cũng như việc sử dụng loại thuốc này bất hợp lý trong nhân dân. Tại các cơ sở điều trị, các thầy thuốc khi kê đơn Seduxen cho bệnh nhân nên thăm dò liều từ thấp đến cao, sử dụng liều thấp nhất nhưng vẫn có hiệu quả điều trị và không nên kê đơn liên tục quá 6 tuần để tránh hiện tượng nghiện thuốc xảy ra.
Việc quản lý về sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc hướng thần, gây nghiện và các tiền chất dùng làm thuốc được quy định chặt chẽ, cụ thể tại thông tư số 19/2014/TT-BYT (ban hành ngày 02/06/2014 của Bộ Y Tế), trong đó có những hạn chế nhất định trong việc mua bán loại các thuốc này.
Các nhà thuốc đạt GPP mới được bán lẻ thuốc này cho người bệnh ngoại trú. Tuy nhiên, để được phép bán lẻ, các nhà thuốc này phải đăng ký với sở Y tế trên địa bàn và thực hiện quy định về các nguyên tắc theo quy định tại thông tư này (Điều 7).
Đối với thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất hướng tâm thần, thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa tiền chất thuộc “Danh mục thuốc không kê đơn” do Bộ Y tế ban hành, các hiệu thuốc đạt chuẩn được bán cho người bệnh không cần đơn theo quy định thì mỗi lần bán phải ghi thông tin chi tiết khách hàng.
Nhà thuốc khác không đủ tiêu chuẩn quy định không được mua, bán nguyên liệu, bán thành phẩm có chứa hoạt chất gây nghiện, hướng tâm thần và các thành phẩm có chứa tiền chất.
Về việc kê đơn thuốc thành phẩm gây nghiện, thuốc thành phẩm hướng tâm thần và thuốc thành phẩm tiền chất cho người bệnh ngoại và nội trú thực hiện theo quy định do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Đặc biệt các loại thuốc này mà không thuộc “Danh mục thuốc không kê đơn” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì chỉ được sử dụng khi có đơn của bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Người bán thuốc chỉ được bán cho người bệnh khi có đơn của bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Liên quan đến việc kinh doanh buôn bán tràn lan các loại thuốc này, Luật sư Trần Huy Tuấn đưa ra ý kiến về việc những chế tài của pháp luật trong việc răn đe, trừng trị những hành vi trái pháp luật trong trường hợp này: “Theo quy định tại BLHS hiện hành, tại Điều 201 - Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác đã quy định cụ thể về trách nhiệm của những người vi phạm trong trường hợp này.
Theo đó, người nào có trách nhiệm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác mà vi phạm quy định về quản lý, sử dụng các chất đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đối với người mua các loại thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện và các loại thuốc chứa tiền chất, nếu xác định có mục đích gây hại cho người khác sẽ bị xử lý về hành vi gây hại đó. Tuy nhiên, để xác định chính xác mục đích của việc mua loại thuốc này để làm gì ngay lúc mua bán thuốc là điều rất khó và không thể kiểm soát hết. Do vậy, nhiều kẻ xấu đã nhân cơ hội lợi dụng kẽ hở này để biến thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện và thuốc chứa tiền chất làm công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm một cách manh động và nhanh chóng”.
Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ nhóm 3 đối tượng dùng thuốc hướng thần để lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 15/11, khi cả nhóm đang thực hiện hành vi cho anh K. uống thuốc hướng thần, định lấy xe ô tô của anh K. thì bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ. Theo cơ quan công an, với thủ đoạn trên chỉ từ tháng 8/2016 đến khi bị bắt các đối tượng gồm: Lê Sỹ Tùng (tức Tùng Sáu, 32 tuổi, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn), Nguyễn Ngọc Cầu (27 tuổi, trú tại xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn) và Lê Đức Hùng (tức Hùng Tưởng, 30 tuổi, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã liên tiếp gây ra 6 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. |
Đào Sơn - Dương Nhung