Câu chuyện một thanh niên quê An Giang bị lực lượng công an giữ lại tại nút giao cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) khiến dư luận không khỏi giật mình. Người đàn ông này uống rượu 3 ngày 3 đêm với tổng cộng đến 5 lít rượu và 50 lon bia. Kiểm tra nồng độ cồn công an đo được 1,164mg/lít khí thở.
Theo luật, chỉ cần quá 0,4mg/lít khí thở đã bị phạt ở khung cao nhất. Người đàn ông kia hẳn nhiên sẽ bị phạt. Dù rất may, chưa ai lãnh hậu quả từ việc uống quá đà của người đàn ông này nhưng hành động của anh ta là không thể chấp nhận.
“Chia tay vợ, tôi buồn nên muốn đi tự tử. Tôi không muốn ra đường gây tai nạn làm liên luỵ người khác nên cố tình chạy lại đây cho các anh bắt xe giữ làm kỷ niệm” – lời bao biện của người đàn ông thực kỳ khôi. Ai biết điều gì xảy ra nếu như người này không bị giữ lại? Ai biết thảm họa sẽ giáng xuống đau đớn đến thế nào chỉ sau cái vít ga của người đang có nồng đồ cồn cao đến vậy?
Vì bất cứ lý do gì, uống từng đó rượu lao xe máy ra đường là hiểm họa, là tội ác tàn độc.
40 người đã ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông chỉ tính trong 3 ngày Tết Dương lịch. 40 người nghĩa là đã cao hơn tổng số người chết vì liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam trong cả năm 2020. Một con số thực đáng suy ngẫm.
Phải chăng mức độ xử phạt của luật pháp vẫn chưa đủ nghiêm, chưa đủ khả năng răn đe tới những kẻ liều mạng và vô ý thức. Có lẽ để hạn chế những kẻ say rượu lang thang ngoài đường sẵn sàng gây hoạ cho người khác, nhất thiết phải có những chế tài nặng hơn, thậm chí cả khi chưa gây tai nạn.
Tội lái xe khi có nồng độ cồn cao vốn được nhiều nước trên thế giới xử phạt rất nặng. Ở Nam Phi, để làm giảm tỷ lệ người vi phạm uống rượu bia khi lái xe gây tai nạn xuống dưới mức 50%, các tài xế vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên đến 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) và đối mặt với án tù lên đến 10 năm ngay trong lần vi phạm đầu tiên.
Trong khi đó, tại Phần Lan và Thụy Điển, các tài xế uống rượu khi lái xe sẽ phải ngồi tù và lao động khổ sai trong vòng một năm. Nếu tiếp tục tái phạm, tại Thụy Điển, danh tính của tài xế và dữ liệu về chiếc xe mà họ sở hữu sẽ bị lưu trong dữ liệu của cảnh sát và cảnh sát có quyền chặn xe của họ để kiểm tra bất kỳ lúc nào. Nếu tiếp tục vi phạm, những tài xế này sẽ bị tịch thu xe.
Tại Costa Rica và El Salvador, tài xế có nồng độ cồn cao cũng bị phạt tù, phạt tiền và tước bằng lái. Ngoài ra, xe của những tài xế nói trên có thể bị đem đi bán ngay trong lần họ vi phạm đầu tiên.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ có hình thức xử phạt hết sức đặc biệt khiến các tài xế say xỉn sợ khiếp vía. Theo đó, những tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép sẽ bị đưa vào sâu trong sa mạc khoảng hơn 30km và bị yêu cầu đi bộ trở lại nơi họ sinh sống. Để đảm bảo họ không vẫy xe đi nhờ dọc đường, sẽ có một nhân viên cảnh sát lái xe giám sát họ trong suốt quá trình thực hiện án phạt.
Say xỉn khi lái xe là tội ác và để ngăn tội ác, không có cách nào khác, luật pháp luôn cần phải đủ mạnh để ngăn ngừa trước khi thảm họa xảy ra.