Nhưng có lẽ, làm thợ sửa khóa là... khó hơn cả". Chỉ với một thanh sắt nhỏ trong tay người thợ sửa khóa có thể mở bất cứ ổ khóa nào, lấy đồ của thiên hạ dễ như trở bàn tay. Ranh giới giữa người thợ sửa khóa và thợ bẻ khóa vì thế cũng mong manh như sợi chỉ.
Chân dung thợ khóa
Những người sống xung quanh khu vực hồ Giảng Võ (Hà Nội), ít ai không biết người đàn ông ngồi phía bên kia con đường Nam Cao, đối diện trường Hà Nội - Amsterdam. Anh Thắng "khóa" ngồi đó đã gần chục năm nay, với thùng đồ nghề và những xâu chìa treo lủng lẳng. Những người sinh sống ở xung quanh hầu như ai cũng đã từng một lần đến chỗ anh để sửa khóa, đánh chìa.
Khi được hỏi vì sao trong cuộc sống mưu sinh có rất nhiều con đường để lập nghiệp nhưng anh lại chọn nghề không chút tiếng tăm và chẳng thể nào có cơ hội làm giàu này, anh trả lời, vì đó là nghề truyền thống của quê anh và "không thể làm giàu, nhưng nó vẫn nuôi được mình".
Theo anh Thắng, nghề thợ sửa khóa là cha truyền con nối. Người thợ sửa khóa thường ít truyền nghề cho người ngoài. Những người thợ ở Hà Nội bây giờ thường là thế hệ thứ hai, thứ ba. Khi được hỏi vì sao chọn nghề này, anh Cường, một người "ngoại đạo", kể lại những ngày đầu học nghề.
Anh nói: "Lúc 20 tuổi, đang đi học nghề sửa điện lạnh thì tôi nghỉ ngang để đi theo học nghề mở khóa này. Lúc đầu, cha tôi đã ra sức ngăn cản nhưng tôi không nghe. Thật ra, tôi đã thích nghề này từ khi tôi mười mấy tuổi, mỗi khi gia đình hay hàng xóm bị mất chìa đều nhờ tôi đến mở. Sau mỗi lần như thế tôi cảm thấy yêu thích công việc này, không có gì vui sướng bằng tiếng ổ khóa mở văng ra... Thế rồi, tôi xin đi theo những người thợ khóa để học nghề nhưng không ai chịu dạy. Thế là tôi tiếp tục tự mày mò nghiên cứu. Thấy tôi quá đam mê với cái nghề này nên bác Lâm, một bậc thầy trong nghề hồi trước, đã cho tôi theo học...".
Cũng theo anh, người thợ sửa khóa vẫn phải không ngừng học hỏi, tự nâng cao tay nghề và theo dõi thị trường để tìm loại khóa mới. Mày mò tập mở khóa, ban đầu họ mở một cái khóa phải mất vài tiếng đồng hồ có khi cả ngày, đến sau khi thành thục, "biết rơ" thì chỉ mất vài phút, có khi chỉ cần vài chục giây là xong một ổ khóa.
Anh Tuấn - Chủ cửa hàng chuyên cắt sửa khóa trên đường Nguyễn Thái Học - tiết lộ: "Hiện nay, một thợ cắt chìa có "phổ rộng" thường phải có đầy đủ 4 máy: 1 máy cắt chìa thông thường, 1 máy cắt chìa vuông, 1 cắt chìa tròn và 1 máy cắt được chìa có lỗ dùng cho loại ổ khóa được xem là an toàn nhất hiện nay (quả thật loại máy cắt chìa này gần như là một chiếc máy tiện vạn năng nếu bạn xem nó vận hành). Có máy cắt giúp, độ chính xác sẽ cao, thời gian làm ngắn lại. Nhưng dù hiện đại đến đâu vẫn có những chiếc chìa phải làm bằng tay, thậm chí không có phôi chìa thợ phải cắt thép tấm ra mà làm chìa!".
Buồn vui nghề khóa
"Người ta bảo nghề thợ khóa đứng giữa làn ranh... thiện và ác, cậu tin không?" - Anh Thắng hỏi tôi như vậy. Tôi lắc đầu. Anh có vẻ tự ái, bảo: "Cậu không vào nghề làm sao hiểu được. Nghề thợ khóa có những tình huống đầy kịch tính mà người ngoài cuộc khó hình dung được". Thì ra, bi hài kịch mà anh Thắng muốn nói với tôi ở đây chính là lần chàng thợ khóa đẹp trai này được một phụ nữ xinh đẹp mời về nhà mở giùm cái tủ trong phòng ngủ...
Anh đang hí hoáy, mày mò sửa khóa được một lúc thì ngửi mùi nước hoa thơm nồng tỏa bên cạnh mình. Anh ngẩng lên thấy cửa phòng đã được khép lại, người phụ nữ trong bộ đồ ngủ rất khêu gợi đang cúi xuống, mỉm cười rồi quàng hai tay... ôm lấy người anh... "Thử hỏi cậu, thằng đàn ông như mình trong tình huống này phải... "xử lý" ra sao? May mà mình còn kịp bình tĩnh... gỡ tay cô ta". Thường những chuyện xui xẻo vẫn xảy ra nếu đúng lúc ấy anh chồng trở về nhà. Cửa buồng xịch mở, tình ngay, lý gian thì... "toi đời".
Trong buồng đã vậy nhưng ngoài buồng cũng lắm chuyện trớ trêu. Anh Hùng (hiện đang làm nghề ở phố Huế) đang lom khom mở khóa cánh cửa tủ một gia đình, bất chợt thấy trong tấm gương trước mặt phản chiếu hình ảnh một người đang vung gậy đánh tới. Hùng vụt người tránh sang bên, chiếc gương bị đập trúng, vỡ tan tành. Nhìn lại, cậu thanh niên gọi anh về mở tủ đã biến đâu mất! Sau khi bình tĩnh lại, cả anh Hùng và ông chủ nhà ngớ người ra, vì cậu con trai thuê anh về mở tủ để... trộm tiền bố mẹ.
Lần khác, anh được một thanh niên mời đến nhà mở giùm cái két sắt. Ba ngày sau, đang sửa khóa thì Hùng "được"... công an phường mời lên làm việc. Hóa ra, người thuê anh mở két chỉ là đứa cháu mà chủ nhà nhờ đến trông nhà giúp vài ngày khi ông ta đi vắng. Không ngờ, anh này lại có ý gian biến anh thành đồng phạm. Sự việc sáng tỏ, anh Hùng mới... tai qua, nạn khỏi. Từ đó, mỗi khi ai nhờ đến nhà để giúp chuyện "vừng ơi mở cửa", và phải "mở" những thứ "nhạy cảm" như két sắt, cửa phòng ngủ... anh nhất định phải gặp được chủ nhà hoặc người lớn tuổi mới dám nhận.
"Làm nghề thợ khóa này "chua" nhất là khi người ta kêu về nhà. Nếu không cẩn thận là rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười như chơi..." - Anh Định, hành nghề thợ khóa ở chợ Đồng Xuân, cho biết. Trong gần 10 năm "hành nghề", không biết bao nhiều lần anh bị chủ nhà nghi ngờ mình là... kẻ trộm.
Cứ đúng vào lúc mình đến nhà ai sửa khóa, lỡ sau đó mất món đồ gì họ cũng đều đổ hết cho mình. Một lần anh nhớ nhất là việc mở két sắt cho một gia đình, trong lúc bà chủ nhà đứng cạnh thì không tài nào mở được. Tuy nhiên, khi bà chủ chạy ra ngoài nghe điện thoại thì chiếc ổ khóa lại "ngoan ngoãn" mở ra. Tình ngay lý gian, khi kiểm tra trong két bà chủ nhà thấy thiếu 5 cây vàng. May mà lúc đó chồng chị ta về và nhận là đã mang đi làm ăn".
Chính vì thế mà những thợ khóa thường bảo ban nhau, tự bảo vệ lấy mình trước những nguy cơ, cạm bẫy và oan trái. Thông thường các trường hợp chìa đánh mẫu bút chì trên giấy, in trên xà phòng, trên dép xốp, các anh đều từ chối. Kể cả những trường hợp khả nghi, khi đến nơi rồi, những người thợ vẫn tìm cách thoái thác. "Nhưng không sự đề phòng nào hiệu quả bằng đề phòng chính bản thân mình" - Anh Thắng "khóa" khẳng định như vậy. Theo anh "làm nghề này mà không có cái tâm, thấy cám dỗ vật chất mà sa ngã, thì dễ trở thành kẻ lấy trộm đồ của người khác lắm".
Nguyễn Ngọc Gia Bảo