Vất vả tìm cách chống rét
Đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất từ đầu mùa Đông năm nay đang ảnh hưởng đến thời tiết ở Nghệ An. Trong đó, nơi khốn khổ nhất chính là vùng núi cao huyện miền núi Kỳ Sơn, giáp với nước bạn Lào.
Tại đây, nền nhiệt độ ở mức 7 - 10 độ C vào ban ngày, còn về đêm được ghi nhận chỉ còn 2 - 3 độ C. Vì vậy, trong thời gian này dù là ngày hay đêm trên các tuyến đường cũng xuất hiện những đốm lửa được người dân thắp lên để sưởi ấm trước cái rét cắt da cắt thịt.
Già làng Hờ Tồng Rê (74 tuổi) bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn ngồi co ro ở bếp lửa cho biết, rạng sáng nằm trong chăn cũng nghe được tiếng sương nặng hạt rơi lộp bộp trên mái nhà. Do nhiệt độ xuống thấp nên xô nước để ngoài trời cũng đóng băng. Mấy ngày rồi, do không thể lên nương rẫy nên gia đình phải dùng thức ăn dự trữ.
“Đợt rét này ập đến kinh khủng quá. Ngồi trong nhà cũng còn lạnh mà. Vì thế trong nhà khi nào cũng phải nổi lửa sưởi ấm. Chẳng ai muốn đi đâu vào thời tiết này. Thậm chí sáng sớm sương mù trắng trời, phải đến quá trưa thì mới thấy được đường”, ông Rê nói.
Mọi người chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần làm, đó là đi mua thức ăn hoặc tìm củi để đốt lên sưởi ấm. Anh Lầu Bá Hềnh (52 tuổi, trú bản Tiền Tiêu) cho biết, từ tuần trước anh đã phải vào rừng gom củi dùng dự trữ, ứng phó với đợt rét. Thời gian này mọi người ở đây chỉ cần duy nhất củi để đốt.
“Trong bản có nhiều người lớn tuổi, vào đợt này lạnh quá nên tội họ. Vì vậy, ngoài chẻ củi để gia đình dùng thì tôi còn cố làm thêm một ít cho cụ ông hàng xóm. Lạnh thế này cũng chẳng làm gì được, phải đợi mấy ngày nữa cho nắng ấm”, anh Hềnh nói.
Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, do nhiệt độ xuống thấp nên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại.
“Đặc biệt, ở huyện miền núi Kỳ Sơn vẫn còn tình trạng thả rông trâu bò. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân nên đưa về nuôi nhốt trong chuồng, đốt lửa sưởi ấm để tránh việc thiệt hại. Còn người già và trẻ nhỏ cũng cần phải mặc ấm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Minh nói.
Nếu nhiệt độ xuống thấp sẽ cho học sinh nghỉ
Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 nằm dựa vào núi, xung quanh cây bụi rậm rạp, sương mù phủ kín khuôn viên. Theo giáo viên, những ngày qua, vòi nước kí túc xá của trường bị đóng băng, băng tan tạo dòng chảy nhỏ, chạm vào nước buốt lạnh thấu xương.
Năm học này, trường Tiểu học Nậm Cắn 1 có 40 cán bộ giáo viên, 428 học sinh, với 23 lớp ở 4 điểm trường. Mặc dù buổi tối lạnh nhưng vào ban ngày nhiệt độ tăng lên khoảng 8 – 9 độ C nên học sinh vẫn đi học bình thường.
Một giáo viên cho biết, mùa đông ở đây thường rất lạnh do ở độ cao trên 1.500m. Với đặc thù thời tiết như vậy nên thường chỉ những khi trời rét kèm theo mưa mù thì trường mới nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên vẫn luôn nhắc nhở học sinh đi học mặc đủ ấm, giờ ra chơi đốt lửa sưởi ấm và tổ chức các trò chơi vận động cho học sinh.
Đợt rét này, những nơi xuất hiện băng giá tại Nghệ An chủ yếu tập trung ở vùng núi cao thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn như: Mường Lống, Đọc Mạy, Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Cắn… Đây cũng là nơi tập trung chủ yếu học sinh người Mông, Khơ mú, Thái.
Em Lầu Y Huyền, học sinh lớp 5C, cho biết: “Tới trường các thầy cô dặn mặc thật ấm nên ai cũng mặc 2 – 3 lớp áo. Với lại đến trường có thầy cô nấu cho ăn nên cũng no bụng hơn”.
Trước tình trạng giá rét, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng vừa có văn bản yêu cầu các trường cần phải theo dõi sát tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thời tiết, các trường mầm non, tiểu học sẽ chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C.
Đối với các trường THCS và các đơn vị trực thuộc, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp dưới 7 độ C. Trước khi có quyết định nghỉ cần thông báo rộng rãi cho học sinh và nhân dân biết lý do cho học sinh nghỉ học, thời gian nghỉ học và dự kiến thời gian bố trí cho học sinh trở lại học tập bình thường.
Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay: “Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì nhiệt độ dưới 7 độ C là phải cho học sinh nghỉ học. Rét đậm, rét hại nhiều nhà trường đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn đến lớp, thầy cô giáo phải khuyên các em ở nhà cho ấm, khi nhiệt độ ấm lên thì có thông báo”.
Lãnh đạo phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn cũng cho hay, do đặc thù về địa hình, khí hậu nên các xã vùng cao thường xuyên xảy ra rét đậm, băng giá vào mùa đông. Vì vậy, các trường linh hoạt lịch giảng dạy theo thời tiết. Đồng thời chuẩn bị các phương án chống rét, bảm bảo an toàn cho học sinh. Ngành giáo dục cũng kêu gọi các tổ chức xã hội hỗ trợ thầy trò vùng cao trong mùa đông, đặc biệt là trong công tác tổ chức bán trú, đảm bảo nơi ăn ở an toàn, kín gió, đủ ấm cho các em.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 7-12/1/2021, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh xảy ra rét đậm, rét hại, ở vịnh Bắc Bộ, có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đề nghị Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung công văn của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại, gió mùa Đông Bắc và sạt lở bờ biển.