Ăn ngủ cùng "bé cưng"
Báo Giadinh.net chia sẻ, lợi dụng lòng tin của người dân, búp bê Kumathong đang được rao bán với rất nhiều hình thức khác nhau.
Chỉ cần một cú click chuột người mua sẽ có thể dễ dàng đặt mua Kumathong, thậm chí còn có cả dịch vụ giao hàng tận nhà.
Đáng chú ý hơn, búp bê Kumathong còn được nhiều tài khoản Facebook sử dụng để hành nghề mê tín dị đoan trên mạng xã hội.
Trao đổi với báo chí, chị Thảo Lan (Trà Vinh), người trực tiếp bán và nuôi Kumathong chia sẻ: “Tôi nhập hàng Kumathong từ sư thầy Kruba Bun Xom ở Thái Lan. Mỗi con sẽ có những giá bán khác nhau tùy vào kích cỡ và phép xăm. Tôi cũng nuôi “hai bé” được nửa năm và rất cưng nựng chúng.
Khi mua sư thầy nói phép xăm trên người Kumathong sẽ hỗ trợ làm ăn, tránh và bảo vệ cho chủ khi có ai muốn hãm hại. Nhưng may mắn tôi chưa được nhận thì khi nuôi Kumathong có thể do tôi hơi nặng vía, nên từ khi nuôi thấy người nặng hết hai vai chưa biết phải xử lý Kumathong thế nào nữa”.
Cũng giống chị Lan, nhiều bạn trẻ cũng có những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội rằng, sau một thời gian nuôi Kumathong họ đang rơi vào tình cảnh khủng hoảng tâm lý vì ám ảnh về sự trả thù của loại búp bê này.
Mới đây, VTV cũng đưa tin, một cô gái ở Hưng Yên cũng chia sẻ về việc “cưng chiều” búp bê Kumanthong. Cô gái này nói: "Việc ăn uống làm theo ý của nó. Làm gì cũng phải hỏi nó vì sợ nó giận. Nó đồng ý thì mình mới được làm. Trong thâm tâm em rất sợ.
Nó giận nó sẽ quay lại phản mình nên càng cố nuôi nó chứ không dám đuổi nó đi. Nếu bị trầy xước hay tím thì người ta bảo nó bị đánh, phải mua vàng, phải vàng ta, vàng tây nó không thích".
Đâm lao nên phải theo lao, mặc dù sợ nhưng không dám bỏ, lý do là vì người bán hàng luôn nhồi nhét vào đầu óc cô gái này những câu chuyện về việc bị Kumanthong "quật" nếu như không cung phụng.
Khi nuôi Kumanthong, người nuôi sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để chi trả hàng ngày cho những bữa ăn hay quần áo mà chúng mặc, trung bình mỗi tháng khoảng từ 3 - 5 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, chính mạng xã hội và những clip không có căn cứ khoa học mà năng lực của Kumanthong đã được thổi phồng lên.
Cũng từ đây, cùng với sự sợ hãi, ước vọng làm giàu nhờ tâm linh của nhiều người mà Kumanthong đã trở thành một món hàng dễ buôn bán và trục lợi kiếm lời.
Kumanthong có thể uống nước, sữa là sự nhảm nhí
Nói về xuất xứ của những Kumanthong ở Việt Nam, chuyên gia tâm linh Trần Vũ Kim Trung thông tin trên Giadinh.net: “Tại Thái Lan, Kumathong được hợp pháp hóa. Các con búp bê này thậm chí còn có giấy tờ chứng minh về mã vạch và nếu bạn mua nó thậm chí bạn còn có giấy sở hữu. Hầu hết, các búp bê được rao bán tại Việt Nam đều trên mạng xã hội hoặc bán chui chứ không hề có căn cứ kiểm tra”
"Sự linh ứng của Kumathong theo tôi thì hiện nay đang được tạo ra bởi các bài viết content và chạy quảng cáo trên Facebook.
Chuyện uống sữa, coca hay các đồ uống khác tôi cho rằng là sự nhảm nhí không thể chấp nhận được. Các đồ uống có ga luôn tuân theo tính chất vật lý thì cứ thế chảy ra thôi.
Còn dưới góc độ tâm linh, đừng bao giờ nghĩ rằng sử dụng búp bê Kumathong sẽ đem lại vận may hay xui xẻo. Bạn thử nghĩ xem, một linh vật nhí làm sao có đủ năng lực để có thể làm chuyện đó?", ông Trung khẳng định.
Nói về cách kiểm chứng, ông Trung cũng nhấn mạnh, những con búp bê thật thường có giấy tờ chứng minh về mã vạch và nếu bạn mua nó thậm chí bạn còn có giấy sở hữu. Hầu hết, các búp bê được rao bán tại Việt Nam đều trên mạng xã hội hoặc bán chui chứ không hề có căn cứ kiểm tra.
Theo Phó Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc nuôi hay buôn bán Kumanthong được cho là một dạng tà tín, mê tín dị đoan và trái với luật nhân quả. Còn dưới góc độ văn hóa, đây là vấn nạn đi ngược lại với giá trị truyền thống của người Việt.
Bùa ngải Kumanthong thực chất đã tồn tại hàng trăm năm nay, bên cạnh đó là những câu chuyện rùng rợn về siêu năng lực của loại bùa ngải này cũng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội dẫn đến tâm lý hoang mang cho người đọc, khiến cho nỗi sợ hãi lại trở thành động lực dẫn đường cho những người nuôi hay chính những người bán hàng phải tiếp tục cung phụng một chú búp bê vô tri vô giác một cách phản khoa học.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)