Sau những ngày tất tả ngược xuôi chạy theo thủ tục tham gia tố tụng một vụ án hình sự lớn vừa xảy ra, tôi có một ngày cuối năm tĩnh lặng bên sông Sài Gòn. Khi màn đêm đã buông, từ một góc nhìn về trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, tôi bất ngờ nhận ra cả một chùm dây hoa lộc vừng, với những bông hoa nhỏ màu đỏ, lấp lánh dưới ánh đèn treo trên cao, đong đưa trong gió, đang tỏa hương ngào ngạt. Tôi chưa bao giờ chứng kiến hoa lộc vừng nở trong đêm như thế...
Cây lộc vừng này do mấy người thân trong gia đình các nạn nhân trong vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký bất ngờ mang đến tặng cho tôi cách đây hai tháng. Tôi vốn dĩ không có nhiều kiến thức về cây hoa hay sinh vật cảnh, không biết chăm sóc thế nào cho phải lẽ, chỉ nghe dặn là loài cây này hợp với vùng sông nước.
Từ chối mãi không được, vì họ bảo đây là tấm lòng tri ân của họ. Trong vụ tai nạn xảy ra vào ngày 20/5/2011, tôi nhận trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho các gia đình 12 nạn nhân người Việt Nam bị chết thảm trong con tàu định mệnh đó.
Nghĩ về vụ án, ngay từ ban đầu, với biết bao nỗi đau giằng xé từ thảm họa do nguyên nhân chủ yếu từ con người, gia đình các nạn nhân kiên quyết đấu tranh, đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án.
Tàu Din Ký khi bị tai nạn
Trải qua một thời gian dài kiên trì cùng trao đổi, đàm phán tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết các hậu quả của vụ án, cuối cùng gia đình các nạn nhân đã thỏa thuận được mức đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần với chủ cơ sở Dìn Ký. Tuy không phải tất cả đều được thỏa mãn, nhưng việc đạt được sự hòa giải luôn là điều mong muốn của cả hai bên, để gia đình các nạn nhân cũng nguôi ngoai phần nào những mất mát mà họ đã phải gánh chịu.
Khi mang cây lộc vừng đến, ngồi tâm sự với tôi, họ vẫn nhớ như in thời khắc kinh hoàng khi tai nạn xảy ra. Phạm Xuân Long, vốn là một chiến sĩ hải quân, khi xuất ngũ có quen biết và thân thiết với anh Quách Lương Tài từ năm 2000 khi làm chung với nhau tại một Công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần.
Sau này Long vẫn đến sửa chữa máy móc, thiết bị cho Công ty của vợ chồng anh Quách Lương Tài, nên nhận lời đến dự sinh nhật của cháu Quách Hồng Đạt. Dường như có điều gì đó mách bảo mà họ không nhận ra, vì hai vợ chồng cùng đứa con đi lạc mãi mới tìm được đến nhà hàng. Long đau xót nhớ về giờ phút định mệnh gây ra cái chết thảm thương của vợ con mình và kể lại việc mình thoát chết như một điều kỳ lạ.
Khi cơn lốc bất chợt nổi lên, mưa gió ầm ầm, phải đóng cửa kính lại, con tàu bất ngờ chao lật nghiêng, gần như không ai kịp phản ứng gì. Chén bát đổ xuống, đèn phụt tắt, trời tối om, nước tràn vào bằng hai đầu, tạo dòng xoáy ở giữa thân tàu.
Trong khi bị ngợp do uống nước, Long cố ngậm thật chặt miệng lại lao về phía vợ con, nhưng không thể vượt lên vì độ dốc sàn tàu quá nghiêng, nước xoáy mạnh, tinh thần hoảng loạn, bàn ghế theo nước nổi lên đè vào hai bên người.
Long khua tay, dùng những chiếc ghế nổi để làm điểm tựa đi lên. Được một lúc, đầu đụng phải tấm kiếng nên Long dùng tay đấm, còn một tay vẫy trong làn nước đen tuyệt vọng vì lúc đó uống nước liên tục và không thể mím chặt miệng lại. Bỗng đâu như cú đấm rơi vào khoảng không, bản năng mách bảo, vực dậy khiến Long bừng tỉnh, cố lách người qua khung cửa hẹp.
Long dùng chân đạp vào cửa búng lên, chân tay quẫy đạp liên hồi một lúc sau mới lên tới mặt nước. Nghĩ tới người thân còn ở dưới tàu, Long quên đi sự mệt mỏi và đau đớn thể xác, cùng năm người đã thoát lên trước tìm cách cứu những người còn lại.
Riêng Trần Đình Sơn, hiện là một quân nhân, có em ruột Trần Thị Tương là vợ của anh Quách Lương Tài, vì hoàn cảnh và cuộc sống mà phải xa quê hương.Sơn nhớ lại, vào ngày người em gái tổ chức sinh nhật cho cháu, cả gia đình Sơn gồm mẹ, các anh, em từ ngoài Hà Tĩnh vào chia vui, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình.
Tuy nhiên, đúng buổi sáng hôm đó thì Sơn bị bỏng chân, không đi lại được. Gia đình ở tận Biên Hòa, vợ con Sơn không có người chở đi, nên cũng phải ở nhà. Có lẽ, chính sự cố bất ngờ đó đã cứu cả vợ con và Sơn- người con duy nhất trong gia đình còn sót lại...
Tôi tin mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi, ngoài trách nhiệm của những người trực tiếp và liên đới, trong tai nạn thương tâm này còn có yếu tố của rủi ro từ thiên nhiên. Gia đình của Sơn, của Long, của ông Vỹ đã và sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau, để tiếp tục đối diện với cuộc sống còn bao khó khăn trước mắt. Bây giờ thì hoa cây lộc vừng đã trổ.
Một loại hoa với những bông nhỏ li ti xếp đều đặn như những dây pháo đỏ chuẩn bị đón Xuân về. Tôi tra mạng tìm kiếm thì biết được cây lộc vừng còn gọi là cây Mưng, nằm trong tam đa sinh vật cảnh, là một loại hoa có nhiều ẩn ý phong thủy, linh thiêng. Từng cánh hoa như những hạt vừng tuy nhỏ nhặt nhưng nhiều nhặn.
Khác với những loài hoa khác chỉ rụng khi đã úa tàn, riêng hoa lộc vừng ngay khi bóng đêm vừa tan, hoa còn tươi thắm đã rời cành.Một loài cây mang lại cảm giác bình yên, an toàn...
Sáng ra, bình minh chiếu rọi cảnh quang sông nước khi triều lên, cũng là khi tôi nhận ra thảm hoa lộc vừng vương vãi trên mặt đất, để lại những nhành hoa buông thõng như vừa qua một kỳ sinh nở. Bất chợt, tôi rùng mình khi một cơn gió lạnh thổi lướt qua, cuốn những cánh hoa lộc vừng bay lên. Tôi cầu mong những cánh hoa theo gió bay xa, như những linh hồn của các nạn nhân sẽ được siêu thoát.
Luật sư Phan Trung Hoài, ủy viên Ban Thường vụ, chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư
(Cổng thông tin Liên đoàn luật sư Việt Nam, tiêu đề do BTV đặt)