Ông Tâm là anh ruột của ông Trịnh Văn Hùng - bị hại trong vụ án. Họ trở lên “đối đầu” nhau kể từ khi ông Hùng nhận tiền 26.000.000 đồng đền bù giải phóng mặt bằng đường 3D. Đây là số tiền Nhà nước bồi thường cho hộ ông Tâm và hộ ông Hùng. Ông Hùng đứng ra nhận thay nhưng không chia sẻ với anh mình. Ông Tâm nhiều lần yêu cầu em mình trả nhưng ông Hùng không có ý kiến gì. Cực chẳng đã ông Tâm đành phải nhờ Xóm trưởng và một số người khác can thiệp dùm.
Tại nhà Xóm trưởng hôm đó, ông Hùng đã lớn tiếng chửi anh mình trước mặt mọi người. Tuy rất bực về thái độ của em, nhưng ông Tâm cố nín nhịn. Thấy ông nhún nhường, ông Hùng càng được thể mắng chửi người anh thậm tệ hơn, bỏ mặc những lời khuyên can của xóm giềng. Thậm chí, ông Hùng còn hắt nước nóng, ném chén về phía anh mình.
Bức xúc về hành vi của ông Hùng, ông Tâm liền vớ chiếc điếu cảy phản ứng lại gây lên thương tích cho ông Hùng ở mang tai trái với tỷ lệ thương tật 02%. Vậy là, ngay ngày hôm sau ông Hùng làm đơn đề nghị khởi tố anh trai mình về tội “Cố ý gây thương tích”.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa hai anh em họ nhưng kết quả không thành. Vì cho rằng mình không sai khi ‘dạy” em nên ông Tâm không chịu xin lỗi ông Hùng và ông cũng không đồng ý với việc khởi tố, truy tố của các cơ quan tiến hành tố tụng. Còn ông Hùng chỉ quan tâm đến việc mình bị đánh mà quên mất rằng chính mình cũng là người có lỗi khi có những hành vi thái quá đối với anh trai.
Hình ảnh HĐXX lưu động xét xử một vụ giết người. (Ảnh minh họa)
Mặc dù thương tích nhỏ nhưng ông Hùng không chịu rút đơn, nhất định đòi giải quyết theo pháp luật và yêu cầu anh trai mình phải bồi thường số tiền 15.000.000 đồng. Vết rạn nứt trong tình cảm anh em họ ngày càng khoét sâu.
Ngày nhận Quyết định khởi tố bị can, ông Tâm thấy xót xa. Ông đau lòng bời vì anh em ruột đã không hòa thuận với nhau. Nếu người chửi bới, lăng mạ ông, hắt nước và ném chén nước vào người ông là người ngoài đã đành, đàng này người làm việc đó lại là em trai ruột của mình. Việc gây thương tích 02% cho em trai là điều mà ông Tâm không hề mong muốn.
Câu chuyện của anh em ông Tâm khi không giải quyết được bằng con đường hòa giải thì cũng đến lúc phải kết thúc bằng một phán quyết của Tòa án. Họ sẽ cùng nhau ra chốn công đường. Khi đó người anh trai là bị can còn người em trai là bị hại. Còn tôi, với tư cách là người bào chữa, tôi sẽ phải đưa ra quan điểm của mình để bào chữa cho ông Tâm, người được trợ giúp pháp lý trong vụ án.
Thật đáng tiếc khi phải chứng kiến cảnh tượng hai anh em sẽ phải cùng nhau ra chốn công đường. Liệu ông Hùng có cảm thấy vui không khi anh trai mình phải đối diện với một bản án cho dù bản án đó là nhẹ nhất?. Còn ông Tâm, lẽ nào chỉ vì "dạy em quá tay” mà hình ảnh đẹp đẽ suốt cả cuộc đời ông xây dựng bỗng chốc tan biến?. Ông là người lính, một thương binh, một người đã 30 năm tuổi đảng. Cả cuộc đời ông hy sinh cho cách mạng và đã để lại một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước. Vậy mà chỉ vì không làm chủ được mình trong phút chốc ông đã vi phạm pháp luật.
Dù sao, ông Tâm và ông Hùng cũng cùng một cha một mẹ sinh ra. Mọi người vẫn nói họ vẫn là “khúc ruột trên khúc ruột dưới” của nhau. Việc ông Hùng nhất quyết đưa anh trai tới chốn công đường và mong cơ quan pháp luật đưa ra phán quyết càng khiến tình cảm của anh em họ thêm nặng nề, khó hóa giải.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Theo CTTĐT Liên đoàn luật sự Việt Nam