Bút ký luật sư: ‘Trọng án mang tên thảm kịch gia đình’

Bút ký luật sư: ‘Trọng án mang tên thảm kịch gia đình’

Thứ 2, 09/12/2013 08:27

Gần 6 năm đã trôi qua, nhưng người nữ luật sư vẫn nhớ như in từng tình tiết, từng bút lục trong hồ sơ vụ trọng án mang tên thảm kịch gia đình ấy.

Dù đó là vụ án được chỉ định, nhưng luật sư đã tận tâm tận lực, thậm chí đã không ít lần luật sư Đỗ Thị Minh Thu rơi lệ trước hoàn cảnh thương tâm cậu thanh niên “trẻ người non dạ” bột phát sát hại mẹ nuôi, cũng là cô ruột cậu, để rồi suýt chạm mặt tử thần…

Được cô ruột nhận làm con nuôi

Vụ án Phùng Văn T (SN 1984, ở xã Giao Hà, Giao Thủy, Nam Định) phạm tội “Giết người” xảy ra cuối năm 2006, còn nạn nhân là cô ruột, cũng là mẹ nuôi của bị cáo. T là con thứ 7 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con có tới 9 anh em. Nhà nghèo nên T được cô ruột là bà Phùng Thị L ở gần nhà nhận làm con nuôi từ năm 6 tuổi.

Bà L là giáo viên trường Tiểu học xã Giao Hà, sống độc thân, tính tình hiền lành, đức độ, được bao thế hệ học trò kính mến. Mặc dù việc nhận T làm con nuôi không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng thực tế T đã được cha mẹ cho sang ở hẳn với bà L từ năm lên 6 tuổi, trong cuộc sống bà L cũng yêu thương, chăm sóc T chẳng khác gì con đẻ.

Luật sư - Bút ký luật sư: ‘Trọng án mang tên thảm kịch gia đình’

Ảnh minh họa

Mẹ nuôi là giáo viên, có điều kiện quan tâm dạy dỗ đến nơi đến chốn nhưng vì nhà chỉ có một mẹ một con, hơn nữa lại là mẹ nuôi nên không tránh khỏi trường hợp “có mười thì tốt, có một vô duyên”. Mặc dù T được tạo điều kiện cho ăn học đàng hoàng, mong sau này có nghề nghiệp để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn nhưng do lười học, ham chơi nên T chỉ học hết lớp 9 thì bỏ học.

Vào tuổi trưởng thành, T được bà L và gia đình cho đi học nghề nhưng thanh niên này cũng chẳng tu chí vào một nghề nào nên cứ lông bông, nay làm thuê chỗ này, mai làm mướn chỗ kia. Rốt cục, tiền làm thuê không đủ để T chi tiêu mua sắm cho bản thân và đi tán gái. Thậm chí có khi T còn nợ nần khiến cha mẹ đẻ và mẹ nuôi phải phối kết hợp trả giùm.

Bi kịch từ việc cấm con yêu “cô gái hư”

Khoảng đầu năm 2006, trong một lần đi ra bãi biển “đổi gió”, T đã làm quen và sau đó có quan hệ yêu đương với Phạm Thị D (SN 1987, người xã Hoành Sơn, Giao Thủy) làm nghề cắt tóc gội đầu.

Về chuyện này, bà L và cha mẹ T đều không tán thành vì qua tiếp xúc thấy D là người con gái lẳng lơ, dễ quen, nghề nghiệp lại không đàng hoàng nên gia đình ngăn cấm. Mẹ Tài và bà L đã bàn nhau lựa chọn và mai mối cho T một cô gái “con nhà lành, nghề nghiệp đàng hoàng” ở xã bên nhưng khổ nỗi T lại cứ “đâm đầu” vào yêu D.

T yêu D tha thiết mặn nồng đến độ có ý định tiến tới hôn nhân với cô gái này khiến hai bà mẹ càng phát hoảng. Thương con, bà L cũng đành chấp nhận vì “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”.

Và, cũng như những bà mẹ quê hết lòng vì con nên rất duy tâm, trước ngày tính chuyện trăm năm cho con, bà L đã cẩn thận đi xem bói. Trước đây vốn đã không ưa D, nay nghe bà thầy bói nói rằng tuổi của hai đứa không hợp nhau, T tuổi con chuột còn D tuổi con mèo, nếu lấy nhau T là chuột sẽ bị mèo vồ chết sớm.

Vậy nên về nhà bà Loan kiên quyết phản đối chuyện hôn nhân của hai đứa, dứt khoát nói rằng nếu T cố tình lấy D thì sẽ trả về “nơi sản xuất”, không nhận làm con nuôi, không lo cho nữa. Còn nếu Tài nghe lời, thì cơ ngơi này (nhà hai tầng khang trang đầy đủ tiện nghi trong khuôn viên mấy sào đất thổ cư, xe máy, mấy sào ruộng khoán mà bà L từng hứa để cho T thừa kế) bà sẽ không cho lấy 1 xu. T nghe vậy vô cùng tức tối vì mẹ nuôi quá cổ hủ và độc đoán.

Chuyện vợ chồng là chuyện trăm năm của đời người, giờ là thời đại nào mà lại còn ép buộc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” như thời phong kiến? Vì chuyện này giữa T và bà L mâu thuẫn trầm trọng.

“Giận quá hóa cuồng”

Mặc dù biết rõ gia đình không tác thành chuyện tình duyên của mình nhưng vào ngày cưới của người chị gái, T vẫn chở D đến dự, giới thiệu với mọi người là vợ tương lai của mình. Lúc đó bà L cũng có mặt nên bà tỏ thái độ rất tức tối, không hài lòng, thậm chí còn có những lời nói xúc phạm, miệt thị D là “gái hư”.

Trước mặt mọi người trong gia đình “chồng tương lai”, Dung muối mặt chịu trận nhưng sau đó, cô gái này đã chì chiết T vì chuyện bà L đã xúc phạm danh dự nhân phẩm của D và dọa chia tay nếu bà L không xin lỗi D. Sẵn lòng tức tối với bà L, lại bị người yêu “đổ thêm dầu vào lửa” khi trong người đang sẵn hơi men khiến T vô cùng hậm hực, tức tối với bà L.

Khoảng 17 giờ cùng ngày, sau khi tiệc cưới tan, bà L về nhà ngủ trước. Còn T cùng anh rể dọn dẹp xong xuôi, đến khoảng 22 giờ cùng ngày thì T cũng về nhà. Khi về thấy cửa nhà đã khóa, biết bà L đã ngủ nên T dùng chìa khóa riêng mở cửa vào, rón rén mò lên phòng bà L dùng chày gỗ đập hai nhát vào đầu người cô ruột.

Trong khi bà L giãy giụa kêu cứu, Tài dùng tay bóp cổ cô ruột thì thấy sợi dây chuyền vàng trên cổ bà L tuột ra rơi xuống, T liền nhặt bỏ vào túi quần. Gây án xong, T sang nhà bố mẹ đẻ kêu lên: “Bố mẹ ơi cô L làm sao ấy!” Khi ông bà C chạy sang thì phát hiện bà L đã tử vong trên giường với những vết thương đập vào đầu gây chấn thương sọ, dập não.

Tuy nhiên, khi Cơ quan Điều tra vào cuộc làm rõ sự việc, và trước những chứng cứ không thể chối cãi, T đã phải cúi đầu nhận tội về hành vi phạm tội của mình

Còn tiếp phần hai: Nữ luật sư xinh đẹp ‘cứu sống’ đứa con giết chết mẹ nuôi

Theo Lưu Quỳnh (CTTĐT Liên Đoàn luật sư Việt Nam)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.