Có những bức tường cao ngất đã trở thành phế tích, chỉ còn là chứng nhân của lịch sử như Hỏa Lò, hay chạy xuyên suốt qua hàng chục ngàn mét vuông như Trại tạm giam Chí Hòa. Đó là những bức tường nằm cô quạnh giữa cánh đồng lúa xanh rì, bao quanh Trại T.16 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trên đường đi chùa Hương.
Cũng có khi chỉ là những bức tường khiêm tốn giữa phố thị đông đúc người qua, mà nếu không có liên quan đến công việc, không ai dễ nhận ra đó là Trại tạm giam của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Và những tấm lưới thép ngăn cách hơi thở, chỉ đủ những đầu ngón tay chạm vào, khi đến kỳ thăm nuôi, gặp mặt…
Sau những bức tường là những thân phận, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải chịu sự chế tài khắc nghiệt nhất là bị tước quyền tự do thân thể trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc mãi mãi. Thân chủ của tôi có lần kể lại, khi ngồi trong xe bít bùng, họ lắng nghe theo vòng quay và tiếng rít của bánh xe, để biết và đo lường khoảng cách mình đang đi về đâu, rồi hy vọng người thân của mình bằng cảm nhận của trường sinh học, có thể biết được khi tìm đến.
Có một người phụ nữ đã phải đứng bên cạnh một bức tường như thế gần bốn tháng qua, để chờ đợi ngày trở về của người chồng đang bị tạm giam. Đó chưa phải là một khoảng thời gian quá dài, nhưng nó có thể khiến bất cứ ai gục ngã, thậm chí có lúc bi quan, chị nghĩ đến việc bỏ mặc, buông xuôi. Rồi với bản năng làm mẹ, làm vợ, đằng sau là những đứa con, chị lại vịn tay vào bức tường đứng dây, lặng lẽ bước tiếp trên cuộc đời này, mặc dù không biết ngày mai rồi sẽ ra sao…
Ảnh minh họa
Chị bảo, mỗi lần đi gửi đồ cho chồng, chị đã khóc rất nhiều cho những số phận nghiệt ngã, những cảnh đời bất hanh mà chị chứng kiến. Có vài bà mẹ già khóc cho con, những đứa trẻ vô tư chạy đi tìm gặp mẹ chúng trong cái khoảnh khắc đó…
Không biết có phải những giọt nước mắt vì cảm thương cho những mảnh đời bất hạnh, hay chị khóc cho chính bản thân mình ? Vâng, tôi như thấy chị ngồi đó, đăm chiêu nhìn bức tường vô tri kia, với người chồng của mình, chỉ cách nhau mỗi bức tường thôi, thế mà tưởng như cách nhau nghìn trùng.
Chị còn bảo, mặc dù trước mặt là một sự ngăn cách vật chất sừng sững, chị vẫn hình dung ở đâu đó sau bức tường kia có hình bóng người chồng, cha của những đứa trẻ đang ngày đêm mong ngóng trở về với gia đình. Chị biết dù thương anh thật nhiều, nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc đứng đó thật lâu, lâu hơn ai hết, chỉ để lắng nghe lòng mình, lắng nghe số phận của đời người.
Ở đâu đó, trong sâu thẳm trái tim mình, chị nghĩ rằng mẹ con chị rất cần anh và sẽ tha thứ cho anh, như trước đây chị đã từng tha thứ. Dù biết rằng, chị không dễ gì làm được điều đó, nhưng vì các con, vì tình yêu cô dành cho anh, chị sẵn sàng bỏ qua tất cả…
Có lẽ với nhiều người, bức tường kia chỉ là thành trì vô tri, vô giác, nhưng ngay khoảnh khắc này đây, với chị, nó là một phần gắn liền, chia sẻ, chất chứa, thậm chí giúp chở che nhiều tâm trạng. Giữa trời trưa nắng gắt của mùa hè, chưa hẳn do cơ thể mệt mỏi hay say nắng, nhưng đầu óc chị như chìm vào một khoảng lặng, ở đó chị cầu mong giá như bức tường kia có thể nhìn thấu được thực trạng của vụ án này, thấy được hoàn cảnh của gia đình mình.
Nếu như nó cũng biết nghĩ suy và có một tấm lòng như chị, có lẽ, nó sẽ bất ngờ mở ra, để không còn ngăn cách nữa. Để chị lại có thể nói lời tha thứ cho anh, và để những đứa con có cha, có mẹ như bao đứa trẻ khác ! Và chị có thể sẻ chia cánh cửa đã được hé mở trong tâm tưởng ấy cho cả những mảnh đời khác, dù là ai, tầng lớp nào, thì họ vẫn là con người, đang chung một tâm trạng rối bời, buồn đau.
Tôi biết chị đi làm từ thiện nhiều nơi, giúp nhiều mảnh đời khốn khó, có một nghị lực và ý chí mạnh mẽ làm nền tảng cho cuộc sống và sự thành công của gia đình chị có được ngày hôm nay bằng mồ hôi, nước mắt. Chị đã từng khuyên nhiều người, nhiều số phận khổ đau mà chị đã gặp, nhưng hôm nay, dường như chị không tự tìm ra lời giải cho những uẩn khúc của chính bản thân mình. Dẫu vậy, chị tự nhủ, dù bức tường cao đến thế nào, ngăn cách cỡ bao nhiêu, thì chị cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa để vượt qua lúc khó khăn.
Chị đâu biết rằng, đến lượt mình, bức tường đã chở che và trở thành chỗ dựa mỗi khi chị yếu lòng hoặc mệt mỏi. Khi sức mạnh của chị được nuôi dưỡng, mạnh mẽ và trưởng thành hơn, lời nói của chị như xuyên qua bức tường để đến với anh: Như thế nhé, hãy mạnh mẽ lên, lấy ý chí nuôi sống nghị lực để vượt qua khúc quanh này, nhé anh!
Bài viết của Luật sư Phan Trung Hoài (CTTĐT Liên Đoàn LUật sư Việt Nam)