Năm đầu trễ hẹn do bối cảnh thị trường không thuận lợi
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank - UPCoM: BVB) được thành lập từ năm 1992, tiền thân là Ngân hàng Gia Định. Ngày 26/5/2023, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam chính thức chấp thuận cho Ngân hàng bản Việt đổi tên viết tắt tiếng Anh từ Viet Capital Bank sang BVBank.
Theo BVBank, việc thay đổi tên viết tắt là phù hợp với tiêu chí ngắn gọn, dễ gọi, dễ nhớ, tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong việc gọi tên khi giao dịch với ngân hàng.
Trải qua 32 năm phát triển nhưng quy mô vốn điều lệ của BVBank hiện tại vẫn chỉ nằm ở nhóm các ngân hàng top cuối. Cụ thể, tại thời điểm kết thúc quý I/2024, vốn điều lệ của BVBank là gần 5.017 tỷ đồng, chỉ cao hơn 5 ngân hàng khác là VietBank, KienlongBank, BaoVietbank, SaigonBank và PGBank.
Bước sang năm 2024, BVBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên tối đa 5.518 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tie lệ 8:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhân 1 quyền mua) và phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Về cơ cấu cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị của BVBank ông Lê Anh Tài đang sở hữu gần 14,4 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 2,86% và Tổng Giám đốc là ông Ngô Quang Trung đang sở hữu 15,7 triệu cổ phiếu BVB, tương đương 3,13% vốn.
Người đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất là Thành viên HĐQT BVBank bà Nguyễn Thanh Phượng với gần 22,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,56% vốn.
Bà Phượng là thành viên HĐQT BVBank từ năm 2011 và từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ tháng 01/2012 đến tháng 04/2013. Ngoài giữ vị trí Thành viên HĐQT BVBank, bà Phượng còn là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Vietcap và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (VCAM).
Ngày 09/07/2020, cổ phiếu BVBank chính thức giao dịch trên sàn UpCoM với mã chứng khoán BVB. Vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ngân hàng đã chính thức thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB tại thị trường UPCoM sang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
BVBank dự báo tình hình kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, HĐQT nhận định nền kinh tế sẽ sớm có triển vọng khởi sắc và tình hình kinh doanh năm 2024 của BVBank sẽ phục hồi. Do đó, ngân hàng tiếp tục trình phương án niêm yết trên sàn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, BVBank cũng đã trình kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng Khoán. và được ĐHĐCĐ thông qua. Tuy nhiên, ngân hàng đã “trễ hẹn”, chưa thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển sàn do bối cảnh thị trường không thuận lợi.
BVBank đang kinh doanh ra sao?
Về tình hình tài chính, kết thúc quý I/2024, BVBank báo lãi trước thuế tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ lên hơn 69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng gấp 2,75 lần cùng kỳ lên 55 tỷ đồng.
Theo giải trình từ BVBank, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng so với cùng kỳ chủ yếu do nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 65% so với cùng kỳ năm trước lên 472 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của BVBank ghi nhận tăng 17% so với đầu năm lên 2.231 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 22% lên 381 tỷ đồng, nợ có khả năng vẫn vốn (nợ nhóm 5) tăng 28% lên 1.299 tỷ đồng. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ mức 3,31% hồi cuối năm 2023 lên 3,91%.
Đáng chú ý, từ thời điểm lên sàn UPCoM đến nay, nợ xấu của BVBank vẫn luôn ở ngưỡng khá cao và không ngừng leo thang. Theo đó, tại thời điểm lên sàn năm 2020, tổng nợ xấu của BVBank là 1.111,4 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay là 2,79%, đã gần chạm ngưỡng 3%.
Năm 2023, nợ xấu tại BVBank chính thức vượt qua ngưỡng an toàn 3%. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ xấu của BVBank là 1.915 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,79% lên 3,31%.
Tại ngày 31/3/2024, BVBank ghi nhận gần 1.310 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành.
Theo báo cáo tài chính của BVBank, khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC bắt đầu xuất hiện từ quý III/2023 với giá trị 326,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên tại BVBank có sự xuất hiện của khoản trái phiếu này.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính của BVBank vào thời điểm lên sàn năm 2020, theo thuyết minh, ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành còn số dư tại ngày tại ngày 31/12/2019 là hơn 377,4 tỷ đồng. Tương đương với việc BVBank đã không còn nợ xấu tại VAMC trong thời điểm đó.
Tại báo cáo tài chính năm 2019, BVBank đã chỉ ra nguồn gốc của trái phiếu đặc biệt trên. Theo đó, VAMC phát hành trái phiếu nhằm mua lại các khoản nợ xấu của Ngân hàng với tổng giá trị nợ gốc đã được mua là 386,1 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 1.342,7 tỷ đồng).
Tính đến thời điểm bán nợ cho VAMC, dự phòng rủi ro cụ thể đã được ngân hàng trích lập cho các khoản nợ này là 8,7 tỷ đồng (ngày 31/12/2018 là 25,5 tỷ đồng). Khoản dự phòng này đã được sử dụng để ghi giảm vào giá trị nợ gốc khi bán nợ cho VAMC.