Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi
Trong Báo cáo vĩ mô tháng 8 vừa công bố, BVSC nhấn mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cùng với mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tiếp tục phục hồi cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch COVID.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2022 tăng 2,92% so với tháng 7 và 15,57% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung cả 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng 9,44% so với cùng kỳ 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong tháng 8/2022, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 481,23 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Tính tổng 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ ghi nhận mức tăng 19,3% so với cùng kỳ 2021.
Sự mở cửa trở lại của nền kinh tế giúp kích thích cầu tiêu dùng, cùng với mức nền thấp năm 2021 (làn sóng COVID-19 thứ 4) là những yếu tố giúp cho tổng mức bán lẻ ghi nhận tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua.
Vốn đầu tư công từ Ngân sách Nhà nước trong tháng 8/2022 đạt 48.295 tỷ đồng, tăng 52,87% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 8 tháng, tổng lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 285,383 tỷ đồng, tăng 18,09% so với 2021, hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 8/2022 tăng 22,86% so với cùng kỳ, đạt 33,38 tỷ USD; trong khi nhập khẩu tăng 13,03%, đạt 30,96 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 2,42 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu ở mức 3,96 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ và 0,005% so với tháng 7/2022. Trung bình 8 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 2,58% so với cùng kỳ. Các chính sách kiểm soát giá của Chính phủ vẫn đang phát huy được hiệu quả.
Đồng VND tiếp tục giảm 0,37% so với đồng USD. So với cuối năm 2021, đồng VND cũng đã giảm 2,64% YTD. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY tăng thêm 3,13% MoM và 13,67% YTD.
Vĩ mô ngày càng ổn định hơn
Theo đánh giá của bộ phận phân tích BVSC, tháng 9 tới đây chỉ số sản xuất sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng vì mức nền so sánh ở mức thấp năm 2021 (giai đoạn sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ 4).
Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này có thể sẽ chững lại trong quý cuối cùng của năm do lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
BVSC cho rằng, gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2022 của tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ. Thêm vào đó, dịp Tết nguyên đán 2023 tới sớm ngay trong tháng 1/2023 cũng sẽ là yếu tố giúp cầu tiêu dùng duy trì diễn biến tích cực trong tháng 11 và tháng 12 tới đây
Đầu tư công trong các tháng tiếp theo, Chứng khoán Bảo Việt dự báo việc giải ngân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, khi xu hướng giải ngân trong các năm gần đây, lượng vốn đầu tư công thường tập trung chủ yếu và tăng mạnh vào nửa cuối của năm.
Thêm vào đó, việc giải ngân sẽ diễn ra thuận lợi hơn vào cuối năm nhờ giá của một số nguyên vật liệu xây dựng giảm. Với sự quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, BVSC cũng dự báo cả năm 2022, đầu tư công sẽ hoàn thành 90-95% kế hoạch.
Bởi mức lạm phát tại đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU đang ở mức cao và có dấu hiệu tăng tiếp, do đó BVSC đánh giá xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ còn gặp khó khăn.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm trong Quý II. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục giảm so với tháng trước, nhưng ghi nhận tăng trưởng mạnh trở lại so với cùng kỳ. Trong tháng 9 tới đây, giá trị xuất khẩu thủy sản có thể sẽ duy trì mức tăng, tuy nhiên, tăng trưởng theo tháng nhiều khả năng vẫn ở mức âm theo đánh giá của BVSC, do nhu cầu tiêu thụ của 1 số thị trường chính có xu hướng chững lại trước tình hình lạm phát cũng như tồn kho của các thị trường này đang ở mức cao.
Các chính sách kiểm soát giá của Chính phủ vẫn đang phát huy được hiệu quả khi chỉ số CPI trung bình 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình trong giai đoạn 2006-2021 (khoảng 6,8%).
Trong khi đó, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa trong chính sách tài khóa để kiểm soát giá, như giữ giá điện bình ổn, chưa tăng học phí cho giáo dục, hay giảm thuế phí đối với các mặt hàng xăng dầu. Do đó, Chứng khoán Bảo Việt dự báo lạm phát cả năm 2022 sẽ chỉ ở khoảng 3,1%-3,5%.
Trong Hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra trong tháng 8, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed – ông Jerome Powell đã cho biết quan điểm duy trì việc nâng lãi suất cho tới khi nào lạm phát được kiểm soát. Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm và điều này tiếp tục khiến đồng USD lên giá mạnh.
BVSC đánh giá áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
NHNN thời gian qua vẫn tích cực sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, liên tục sử dụng các công cụ OMO và tín phiếu. Trong thời gian tới, trước áp lực từ tỷ giá khi Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay, BVSC cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục có diễn biến tăng.
Hồng Nhung