Liên quan đến việc nhiều người dân xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai phát hiện một cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Định Quán lén xả thải trực tiếp ra sông La Ngà, trong ngày 25/5 PV báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND Định Quán.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, ông Trần Quang Tú cho biết, cống có nước thải màu đen và hôi chảy xuống sông La Ngà vừa được người dân phát hiện là cống Ba Miệng thuộc khu công nghiệp Định Quán, huyện Định Quán.
Khi người dân phát hiện sự việc trên, UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cử cán bộ xuống hiện trường để ghi nhận thực tế. Đồng thời, tiến hành lấy 2 mẫu nước tại miệng cống trên đem đi xét nghiệm. Hiện, ngành chức năng cũng đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước rồi sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Còn đại diện chi Cục bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, trước tình trạng ô nhiễm suối Tam Bung (là con suối cũng đổ trực tiếp vào sông La Ngà, gần đây suối này cũng bị hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng), đơn vị cũng vừa phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính đối với các trang trại chăn nuôi heo, gây ô nhiễm suối Tam Bung.
Cụ thể, vào đêm 23/5, người dân xã La Ngà, huyện Định Quán phát hiện một cơ sở sản xuất thuộc KCN Định Quán, xả thải trực tiếp ra sông La Ngà, tại đoạn ngã ba Thần Đồng, xã La Ngà, nơi gần khu vực 1.000 tấn cá bè bị chết vừa qua. Người dân nhanh chóng lấy mẫu nước để làm bằng chứng, đồng thời báo tin cho cơ quan chức năng huyện Định Quán.
Chị N.M., một người dân cho biết, nước cống này xả đen đặc và có mùi hôi nồng nặc rất khó chịu.
“Ngửi mùi đó rất hôi, rấy khó chịu nên chúng tôi phải báo cơ quan chức năng nhờ họ can thiệp. Cống này cũng đổ ra suối rồi đổ ra sông La Ngà và chúng tôi nghi ngờ đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên sông La Ngà vừa qua. Chúng tôi chỉ mong sớm tìm ra nguyên nhân cá chết, sớm nhận được tiền hỗ trợ hoặc đền bù để vực lại cuộc sống”, chị M. nói.
Trong khi đó, đến thời điểm này liên quan đến nguyên nhân vụ 1.000 tấn cá bè chết hàng loạt trên sông La Ngà, đại diện chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, đã có kết quả ban đầu và đã báo cáo cho cục Môi trường miền Nam, chờ cơ quan quan này đưa ra kết luận cuối cùng rồi công bố rộng rãi.
Tuy nhiên, trước mắt, sau khi xét nghiệm 13 mẫu nước, 14 mẫu cá tại khu vực cá chết hàng loạt để gửi lên các cơ quan chuyên môn cấp bộ phân tích thì thu được những thông số gần giống tương tự như năm 2018.
Cụ thể, thời điểm cá chết hàng loạt, nguồn nước sông La Ngà ở khu vực xảy ra sự việc “có nồng độ oxy hòa tan (DO) ở mức thấp, chỉ 2.6-3.2 mg/lít (mức thông thường phải từ 4 mg/lít trở lên), nồng độ Amoni và Nitrite vượt ngưỡng cho phép từ 10-20 lần.”