Theo phản ánh của người dân, chiều tối 3/4 trên địa bàn huyện Dầu Tiếng xuất hiện cơn mưa lớn đầu mùa khiến nước sông dâng lên cao.
Đến tối cùng ngày, sau khi mưa đã tạnh thì cá nuôi trong lồng bè có dấu hiệu bất thường, từng đàn cá Lăng ngoi lên mặt nước. Tới khuya cùng ngày, nhiều tấn cá Lăng nuôi trong lồng bè bất ngờ chết sạch, nổi trắng một khu vực.
Chia sẻ trên Vnexpress, Anh Lương Văn Tính, 30 tuổi, cho biết, gia đình nuôi cá chép, cá lăng, cá trắm... trên sông Sài Gòn nhiều năm qua. Tối 3/4, sau trận mưa lớn, cá lăng trong bè có biểu hiện lờ đờ, vài giờ sau đồng loạt ngoi lên mặt nước, ngửa bụng trắng bè.
"Đến những ngày gần đây thì cá chép, cá trắm cũng chết theo, tổng cộng chừng 13 tấn, thiệt hại trên 500 triệu đồng", anh Tính cho biết.
Ngoài bè cá của anh Tính, trên đoạn sông giáp ranh thị trấn Dầu Tiếng và xã Thanh An có năm hộ nuôi cá lăng, chép, diêu hồng... khác cũng bị tình trạng tương tự, với hơn 80 tấn cá chết.
Trong đó, gia đình anh Huỳnh Long Kiểng bị chết hơn 35 tấn cá, mất trắng khoảng 3,5 tỷ đồng. "Toàn bộ vốn liếng tôi dành đầu tư nuôi cá. Cá chỉ còn ít ngày nữa xuất bán nhưng bây giờ chết hết, trắng tay rồi", anh Kiểng nói.
Thông tin trên báo Công Lý, theo những hộ dân, việc cá chết hàng loạt như này chưa từng xảy ra. Thông thường trời mưa chỉ chết vài con. Cá chết hàng loạt như thế này có thể do công ty nào đó xả nước thải lẫn hóa chất ra sông Sài Gòn. Thủy triều đẩy nguồn nước độc hại này lên khiến cá chết.
Cũng theo ông Dương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng chia sẻ trên Vnexpress, sau đợt mưa đầu mùa, nước từ các nhánh suối (suối Dứa, suối Cầu Cát) đổ về đột ngột, làm xáo trộn lượng thức ăn dư thừa tích tụ dưới đáy sông tại các bè khiến nồng độ oxy giảm. "Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân cá chết cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước và mẫu cá", ông Phương nói.
Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã xuống lập biên bản vụ việc, lấy mẫu nước tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân.
Thanh Mai (t/h)