Theo nhiều hộ dân sống ven sông Châu Giang (Hà Nam) cho biết, tình trạng cá chết xuất hiện cách đây khoảng gần 1 tuần. “Cách đây mấy hôm cá đồng loạt ngoi lên mặt nước thở, đến trưa cùng ngày thì xuất hiện tình trạng cá bắt đầu chết. Sang đến ngày hôm sau thì ở các đăng người dân quây để nuôi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Các chủ hộ nuôi cá phải thuê người ra vớt cả ngày không xuể, các thuyền chứa đầy ắp cá”, ông Nguyễn Văn Bút (63 tuổi) ở xóm 6, xã Tiên Phong cho biết.
Cá chết hàng loạt gay ảnh hưởng không nhỏ tới người dân xung quanh.
Theo quan của khắp các mặt sông đâu đâu cũng thấy từng bè cá chết. Cá chết nổi dày đặc kín cả mặt nước. Xác cá cũng đã bắt đầu bốc mùi thối nồng nặc gây khó chịu cho người dân sống quanh khu vực cũng như người đi đường.
Số cá chết chủ yếu là cá mè, cá trôi, cá trắm, rô phi… Sau gần 1 tuần chết liên tục ước tính số lượng cá chết hàng chục tấn, ước tính thiệt hại của các hộ nuôi cá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cá chết khắp mặt sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Các chủ hộ xót xa vớt cá chết.
Theo người dân, trước khi cá bắt đầu ngoi lên bờ, dòng nước chảy ở sông Châu Giang đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc từ thượng nguồi chảy về dẫn đến cá chết hàng loạt, người dân không kịp trở tay. Cá chết khắp mặt sông kéo dài cả cây số.
Cá chết trôi khắp mặt sông kéo dài cả cây số.
Anh Lê Văn Duy (40 tuổi) ở xã Đọi Sơn cho hay: “Từ ngày xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt người dân chúng tôi ăn ngủ không yên, cá bốc mùi hôi thối nồng nặc xông vào nhà, đóng kín các cửa nhưng mùi hôi thối vẫn xông vào”.
Hàng chục tấn cá phủ trắng sông
Mấy ngày nay, vợ chồng anh Ngô Văn Thiệu (45 tuổi) ở xóm 2, xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) thay phiên nhau vớt xác cá chuyển lên bờ. Anh Thiệu cố ngụp sâu xuống dòng nước sâu 4 - 5 mét dùng bạt để chắn nguồn nước ô nhiễm chảy vào đăng nuôi cá của mình với hy vọng vớt vát được số cá còn ít ỏi còn trong đăng. Nhưng với anh tất cả là vô vọng bởi đa phần số cá thương phẩm gần đến mùa thu hoạch đã chết gần hết.
Anh Thiệu buồn rầu vì phút chúc gần chục tấn cá của gia đình chết sạch.
Ngồi thất thần trên mạn thuyền anh Thiệu tâm sự: “Nhà ngay sát bờ sông nên đầu năm vợ chồng tôi quyết định vay tiền ngân hàng cũng như gom góp tiền anh em đầu tư mua lưới quây khúc sông để để thả cá giống. Vốn chưa thu được thì mấy ngày nay cả chục tấn cá nổi lên rồi chết hàng loạt”.
Anh Thiệu cho hay đăng nuôi cá nhà mình bắt đầu chết được gần 1 tuần nay và do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. “Ban đầu cá ngóc đầu lên nổi hàng loạt, nghĩ là cá thiếu Oxy nên tôi chặt chuối phi xuống nhưng đến trưa cá bắt đầu chết, cả nhà huy động người ra vớt không kịp. Đến sáng hôm sau thì cá chết trắng xóa đến nửa đăng. Hôm đấy số cá chết phải đầy ắp 20 thuyền”, anh Thiệu nói.
Cá gần đến kỳ thu hoạch nên có trọng lượng trên dưới 1kg/con. “Ước tính từ mấy ngày nay gia đình tôi bị chết khoảng gần 10 tấn cá, thiệt hại khoảng 70 – 80 triệu đồng. Mất số tiền lớn vậy không biết bao giờ vợ chồng tôi mới làm bù lại được, tiền vay vốn không biết khi nào mới có thể trả được”, anh Thiệu buồn rầu nói.
Cá phủ trắng sông.
Cũng giống như gia đình anh Thiệu, hai anh em ông Chu Công Tước và Chu Công Tiến ở xóm 1, xã Tiên Phong cũng mất trắng gần 3 tấn cá mè có trọng lượng hơn 1kg. “Năm nay nước thải xả bất ngờ làm anh em chúng tôi chủ quan không kéo cá bán kịp. Dòng nước bẩn, ô nhiễm vào khiến cá chết. Nhiều cá như thế bán không bán được, cho thì cũng chả ai lấy làm gì. Anh em tôi coi như trắng tay khi đổ toàn bộ tiền vốn đầu tư vào đăng nuôi cá này”, ông Tước cho biết.
Cá chết nhiều gia đình đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.
Không chỉ gia đình anh Thiệu, ông Tước, ông Tiến mà rất nhiều gia đình ở các xã lân cận như ở xã Đọi Sơn (Duy Tiên), xã Văn Lý (Lý Nhân), Đinh Xá (Bình Lục) cũng rơi vào tình trạng cá chết trắng phủ đầy đăng. Nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
“Nuôi cá trên sông không khác nào đánh cược với trời. Nếu năm nào thuận thì người dân còn nuôi được chứ năm nào mà mất thì coi như mất trắng. Cá chết nhiều như thế chôn không xuể, nhiều người dân đành để cá chết trôi lềnh bềnh trên sông gây ô nhiễm nghiêm trọng”.
“Di cư” vì ô nhiễm
Trước thực trạng hàng chục tấn cá chết trôi nổi khắp sông Châu Giang không được xử lý, sông Châu Giang đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng trăm hộ sân sống gần sông nhiều ngày nay đang phải mất ăn mất ngủ bởi mùi hôi thối từ cá chết.
Bác Hát cho biết, chưa bao giờ thấy cá chết nhiều như năm nay.
Bác Nguyễn Văn Bút (63 tuổi) ở xóm 6, xã Tiên Phong cho hay: “Tôi sống hơn nửa đời người rồi nhưng cũng chưa bao giờ thấy ở địa phương cá chết nhiều đến như vậy. Cá chết mùi hôi thối nồng nặc, người dân thiệt hại đã đành nhưng thực trạng nguồn nước ô nhiễm như thế này lâu ngày sẽ ngấm vào đất rồi ngấm vào nguồn nước sinh hoạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng trăm người dân trong vùng”.
Nhiều người lo lắng trước tình trạng cá chết gây ô nhiễm tới môi trường cũng như sức khỏe người dân .
Mấy ngày nay, cửa nhà luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài” anh Lê Văn Duy (40 tuổi) ở xã Đọi Sơn phân trần: “Mùi cá chết theo gió cứ thế xộc thẳng vào nhà dân chúng tôi. Cả nhà lúc nào cửa cũng đóng kín mít nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc. Cá hôm cả nhà phải di cư sang bên bà ngoại để tránh mùi. Nhiều cụ già, trẻ nhỏ cũng phát ốm vì sự tra tấn của cá chết”.
Theo thầy giáo Trần Xuân Trình - Phó hiệu trưởng trường mầm non Tiên Phong: “Không khí bốc mùi hôi nồng nặc từ sông Châu Giang bay vào những ngày qua đã gây ảnh hưởng rất lớn cho việc học tập của các em học sinh cũng như sức khỏe các giáo viên trong trường. Tuy nhiên nhà trường không thể cho các em học sinh nghỉ học được vì sẽ chậm thời khóa biểu của Bộ giáo dục. Vì thế chúng tôi chỉ biết đóng hết các cửa sổ lại để bớt mùi hôi nồng nặc bay vào, nhưng cũng chỉ cản được một phần nào thôi”.
Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, ông Trần Quốc Thắng – Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phong, cho biết đã nắm bắt được tình hình vụ việc và báo cáo lên UBND huyện Duy Tiên để có phương án xử lý ô nhiễm trên sông Châu Giang. “Tính từ xã Đọi Sơn trở về thì dọc sông Châu Giang, xã Tiên Phong có nhiều hộ dân nuôi cá nhiều theo hệ thống đăng (cắm cây, quây lưới). Tính từ năm 2002 riêng trong xã có 50 đăng, đến nay cả xã có khoảng 10 đăng nuôi cá”.
“Gần 1 tuần nay, dòng nước sông Châu Giang từ thượng nguồn đổ về đen sì, mùi hôi thối, từ trước tới giờ nguồn nước chảy qua xã Tiên Phong chưa bao giờ ô nhiễm nặng như vậy. Trước nguồn nước sông Hồng chảy qua Âu Tắc Giang chảy vào sông Châu cũng đỡ ô nhiễm nhưng nhiều ngày nay nước sông Hồng không chảy vào nữa”, ông Thắng cho hay.
Về phương án xử lý ông Thắng nói thêm: “Việc bà con thiệt hại lớn do cá chết, chính quyền địa phương cũng xót thay cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi cá trên sông chúng tôi cũng không khuyến khích vì như thế sẽ cản trở dòng chảy cũng như việc giao thông đường thủy. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Duy Tiên và các đơn vị liên quan để sớm có phương án xử lý ô nhiễm nguồn nước trên sông Châu Giang”.
Văn Định