Tiếp nhận thông tin về sự cố cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển diễn ra ở Đà Nẵng, phía sở Tài Nguyên- Môi trường thành phố đã khẩn trương tiến hành điều tra và làm rõ sự việc.
Chiều 10/11, người dân phát hiện hàng trăm con cá chết dạt vào bờ kéo dài khoảng hơn 1km từ ngã ba Nguyễn Sinh Sắc tới bãi tắm Xuân Thiều. Tổng lượng cá chết vớt được khoảng 1,5 tấn, trong đó chủ yếu là cá mòi. Lo sợ hiện tượng này diễn ra do nước biển bị ô nhiễm, người dân nhanh chóng thông báo lên cơ quan chức năng.
Thực hiện kiểm tra mẫu nước thải từ Trạm Phú Lộc, sở TNMT Đà Nẵng cho biết các chỉ tiêu về môi trường nước đều nằm trong ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không có hiện tượng xả thải, ô nhiễm nước.
Nếu không phải vì ô nhiễm nguồn nước thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Theo ý kiến của người dân và các nhân viên cứu hộ tại khu vực này, tình trạng cá chết có thể là do việc nổ mìn đánh cá ngoài biển.
Trao đổi với báo Người lao động, ông Trần Thế Vang - ngư dân địa phương ngụ tại phường Xuân Hà, (quận Thanh Khê) lo lắng: "Cá mòi chết và tấp ồ ạt vào bờ như thế này thì chỉ có thể là do các ghe dùng thuốc nổ, mìn để đánh cá trái phép. Trong gần 1 năm qua, đây là lần thứ hai người dân chúng tôi chứng kiến tình trạng cá chết hàng loạt, khiến việc đánh lưới gần bờ gặp vô vàn khó khăn".
Tương tự, các chuyên gia cũng đồng tình với giả thuyết này, báo Giao thông dẫn lời tiến sĩ Võ Văn Phú (Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Huế), nhận định, cá chết chủ yếu là loại cá mòi cờ chấm, sinh sống gần bờ và theo đàn nên có thể chết hàng loạt do đánh mìn. Tuy vậy thông tin này vẫn chưa được sở TNMT Đà Nẵng xác nhận.
Được biết ,đến trưa ngày 11/11, tại khu vực bãi biển, đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều, quận Liên Chiểu không còn xuất hiện tình trạng cá chết trôi vào bờ.
Hiện tại, sở TNMT thành phố vẫn đang tiếp tục lấy mẫu, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ.
Tôn Vỹ (Tổng hợp)