Cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, đâu là nguyên nhân?

Cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, đâu là nguyên nhân?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 6, 16/04/2021 09:36

Mặc dù UBND TP.HCM đã tốn nhiều chi phí để ngăn chặn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng sau mỗi cơn mưa đầu mùa, tình trạng này vẫn tái diễn.

Sau trận mưa lớn hôm 4/4/2021, các nhân viên của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM đã phải mất đến 2 ngày vất vả để vớt cả chục tấn cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đây là một trong những lần cá chết nghiêm trọng nhất sau gần 10 năm con kênh được cải tạo.

Một công nhân trực tiếp thực hiện vớt cá cho biết không bất ngờ về hiện tượng này bởi gần như nhiều năm nay, cứ mưa trái mùa xuất hiện cũng là lúc cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết trắng mặt nước. Ghi nhận tại hiện trường, cá chết nằm xếp chồng lên nhau lẫn lộn trong đám lục bình, rác nylon, mút xốp... bốc mùi hôi thối. "Năm nay cá chết chỉ có cá rô phi và cá chép. So với mọi năm lượng cá ít hơn vì trước đó chúng tôi đã tìm cách tỉa bớt cá để phù hợp mật độ nước", công nhân trên cho biết.

Được biết một trạm trung chuyển dã chiến đã được lập ở cạnh đường Trường Sa. Cá chết dưới kênh được công nhân vớt vào thùng composite dung tích 660 lít. Mỗi canô chứa tối đa 3 thùng, khi đầy được đưa về trạm dùng dây tời cho xe cẩu lên máy ép rác chở đi.

Đoạn kênh có nhiều cá chết nhất từ cầu Lê Văn Sỹ (quận 3), đến cầu số 1 (quận Tân Bình) dài gần 3 km. Trong 48 giờ, hàng chục công nhân làm việc cật lực đã vớt được hơn 13 tấn rác, trong đó đến 90% là cá chết.

Phân tích về nguyên nhân cá chết, theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM, đặc thù kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có đấu nối hệ thống ống cống, rác thải tích tụ lâu ngày trong cống và khi mưa đổ ra kênh dẫn đến ô nhiễm. Bên cạnh đó, kênh không được đấu nối với sông, rạch nên gây ô nhiễm cục bộ. Khi trời mưa, hệ thống xử lý nước thải xung quanh hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ đáp ứng dẫn đến cá chết. Ngoài ra, người dân phóng sinh những loài cá không phù hợp với điều kiện sống tại đây nên rất dễ chết khi nước dưới kênh thay đổi.

Liên quan đến vấn đề này, theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, cá chết là do rác thải, hóa chất từ hệ thống ống cống đổ ra kênh khi mưa lớn đã che phủ mặt nước làm lượng oxy giảm, kết hợp lớp bùn chứa nhiều khí độc tích tụ dưới đáy lâu ngày bị sục lên hòa tan trong nước, gia tăng ô nhiễm. Hai yếu tố đó làm thay đổi đột ngột môi trường sống khiến cá chết đồng loạt.

Theo tìm hiểu, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,5 km, sâu khoảng 8 m, chảy qua quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Diện tích mặt nước khoảng 337.884 m2, chiều rộng trung bình 27 m. Tuyến kênh bắt đầu tại cửa cống hộp ở đường Út Tịch (quận Tân Bình) rồi đổ ra sông Sài Gòn ở gần xưởng đóng tàu Ba Son (quận 1).

Năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với dự án giải tỏa hàng nghìn căn nhà ổ chuột hai bên bờ và xây dựng hai tuyến đường ven kênh, tổng vốn 1.600 tỷ đồng. Số tiền này để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân, nạo vét bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh...

Năm 2003, một dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới tiếp tục được thực hiện. Dự án có vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, với các hạng mục chính như nạo vét bùn; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.

Năm 2012, tuyến kè chạy dọc theo kênh trên hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó, hầu như năm nào kênh cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào đầu mùa mưa. Đáng chú ý giữa năm 2016, các công nhân môi trường đã vớt được đến 70 tấn cá chết.

Năm 2017, trung tâm chống ngập thành phố từng đề xuất lắp thiết bị bơm khí oxy cứu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kinh phí khoảng 134 tỷ đồng. Số tiền vận hành mỗi ngày lên đến 99 triệu đồng. Tuy nhiên do chi phí quá cao nên dự án không được triển khai.

Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố cho rằng, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể lắp thiết bị cung cấp khí oxy cho cá. Song chi phí đầu tư, vận hành quá cao trong khi tuyến kênh chỉ nhằm tiêu thoát nước chống ngập chứ không phải nuôi trồng thủy sản. Vào mùa khô, mức nước xuống thấp, hệ thống này cũng rất khó vận hành. Giải pháp tạm thời được Sở đưa ra là tập trung tuyên truyền, giải quyết về vệ sinh môi trường và nạo vét những đoạn kênh bồi lắng...

Theo Chi cục Thủy sản TP HCM, để khắc phục dứt điểm tình trạng cá chết tái diễn hàng năm thì nhất thiết phải hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Nghĩa là phải xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1, 2, Tây Bắc, Nhà máy Xử lý nước thải cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở quận 2… Tổng vốn đầu tư lên đến gần 40.000 tỉ đồng. "Nếu tình trạng nước còn ô nhiễm, cá sẽ tiếp tục chết trong những năm tiếp theo" - Chi cục Thủy sản TP HCM khẳng định.

Minh Hoa (t/h theo Vnexpress, Người Lao Động)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.