CA gây TNGT chết người, sau hơn nửa tháng vẫn chưa khởi tố vụ án

CA gây TNGT chết người, sau hơn nửa tháng vẫn chưa khởi tố vụ án

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 2, 24/10/2016 11:02

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Pháp luật không có vùng cấm hay sự nương nhẹ, công an hay bất kỳ người nào vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm.... CA gây TNGT chết người càng phải làm rõ trách nhiệm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng mà trong đó, người điều khiển phương tiện gây tai nạn lại là những người đang đảm trách nhiệm vụ thực thi pháp luật khiến dư luận không khỏi bất bình. Điều đáng nói ở đây, trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc lại không đồng đều ở các địa phương.

Ngày 13/9, tại cụm 5, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Nạn nhân trong vụ tai nạn được xác định là cháu Nguyễn Thành L. (10 tuổi, tử vong tại chỗ) và chị Nguyễn Thị H. (sn 1986, bị thương nặng, được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch).

Thông tin được biết, người điều khiển chiếc xe mang biển kiểm soát 19A-087.61 là ông Nguyễn Chí Thành (41 tuổi, HKTT tại TP. Việt Trì), hiện đang giữ chức Phó trưởng công an huyện Thanh Thủy được cho là người gây ra vụ tai nạn trên. Nguyên nhân vụ việc ban đầu được xác định là do ông Thành không làm chủ được tốc độ dẫn đến tai nạn.

Ngay sau khi tai nạn diễn ra, ông Thành đã rời khỏi hiện trường mà không đưa các nạn nhân đi cấp cứu khiến người dân càng thêm bức xúc.

An ninh - Hình sự - CA gây TNGT chết người, sau hơn nửa tháng vẫn chưa khởi tố vụ án

 Hiện trường vụ án TNGT khiến 1 cháu bé 10 tuổi tử vong và 1 phụ nữ bị thương nặng xảy ra ngày 13/9

Trong những trao đổi mới đây nhất với PV, đại diện PX 15, công an tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, công an tỉnh cũng đã chỉ đạo làm rõ vụ việc, phân công các đơn vị có liên quan trong việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân có trong vụ việc. Về phần cá nhân ông Thành cũng đã bị đình chỉ công tác trong khi chờ kết quả điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, cho đến ngày 29/9, nghĩa là hơn nửa tháng sau khi vụ việc xảy ra,vụ việc vẫn chưa có diễn tiến gì mới.

Trong khi đó, một vụ việc tương tự khác cũng khiến dư luận không khỏi có sự so sánh ngậm ngùi. Khoảng 14h ngày 16/9, ông Hoàng Đức Huân (38 tuổi, Phó công an huyện Kim Sơn) điều khiển ô tô trên quốc lộ 10, đến địa phận xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn đã tông vào xe máy chạy cùng chiều do chị Bùi Thị T. (44 tuổi, trú xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn) khiến chị này tử vong.

Ngay sau đó, ông Huân đã tới Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Ninh Bình) để tự thú, khai nhận sau khi gây tai nạn hoảng quá nên đã lái xe rời khỏi hiện trường. Chỉ 4 ngày sau, cơ quan điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố bị can với ông Hoàng Đức Huân về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai vụ việc có nội dung tương tự nhau, nhưng một vụ ngay sau đó 4 ngày đã có quyết định khởi tố vụ án, trong khi đó 1 vụ sau hơn nửa tháng vẫn chưa có tiến triển gì. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ có đang chậm trễ trong vụ án TNGT gây chết người hay không? Liệu có khởi tố vụ án trong vụ việc kể trên? Câu hỏi này, tất cả đều vẫn phải chờ...

Trao đổi mới đây với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong những vụ việc kể trên cần phải làm nghiêm. Đặc biệt, vụ việc ở Phú Thọ, cần phải sớm xem xét trách nhiệm của Phó trưởng công an huyện Thanh Thủy, khi đã xác định đủ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan thì cần khởi tố vụ án để yên lòng người dân.

“Tất cả cán bộ công chức dù là công chức bình thường hay người trong các cơ quan công quyền đặc biệt là người ở trong cơ quan thực thi pháp luật, theo tôi trước hết phải gương mẫu chấp hành, thực hiện pháp luật. Đó là vấn đề nguyên tắc. Khi vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật chứ không có vùng cấm hay câu chuyện nương nhẹ", PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc nói.

Cũng theo PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc: "Trong câu chuyện này còn có vấn đề quan hệ giữa con người với con người, vấn đề nhân văn, nhân đạo. Khi vi phạm, gây tai nạn mà không thực thi trách nhiệm cứu người bị nạn... điều ấy không chỉ vi phạm về pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức, nhân cách công vụ, nhân cách của người công dân bình thường. Vì có những người đi trên đường gặp tai nạn họ còn cứu giúp chứ không nói việc gây tai nạn. Những trường hợp “bỏ trốn” đi như thế chúng ta phải phê phán, lên án và có những hình thức xử lý nhất định để làm gương cho người khác”.

Đ.Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.