Mới đây, các bác sĩ phẫu thuật ở New York, Mỹ đã thực hiện ca ghép mắt toàn bộ đầu tiên ở người, một thành tựu được ca ngợi là bước đột phá mặc dù bệnh nhân vẫn chưa lấy lại được thị lực.
Theo nhóm phẫu thuật tại NYU Langone Health, trong sáu tháng kể từ cuộc phẫu thuật được thực hiện trong quá trình cấy ghép một phần khuôn mặt, mắt được ghép và đã cho thấy những dấu hiệu tốt, bao gồm các mạch máu hoạt động tốt và võng mạc trông đầy hứa hẹn.
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Việc chúng tôi cấy ghép mắt là một bước tiến lớn, điều mà người ta đã nghĩ đến trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ được thực hiện”. Cho đến nay, các bác sĩ mới chỉ có thể ghép được giác mạc, lớp trong suốt phía trước của mắt.
Người nhận con mắt, Aaron James, là một cựu quân nhân 46 tuổi đến từ Arkansas, sống sót sau một vụ tai nạn điện cao thế liên quan đến công việc khiến nửa bên trái của khuôn mặt, mũi, miệng và mắt trái của anh bị phá hủy.
Để thực hiện ca phẫu thuật hiếm có này các bác sĩ mất 21 giờ thực hiện. Ban đầu, các bác sĩ chỉ dự định đưa nhãn cầu vào như một phần của ca ghép mặt vì lý do thẩm mỹ. "Nếu một số hình thức phục hồi thị lực xảy ra thì điều đó thật tuyệt vời, nhưng... mục tiêu là chúng tôi thực hiện phẫu thuật kỹ thuật và để nhãn cầu sống sót", ông Rodriguez nói và cho biết bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai sẽ được theo dõi.
Hiện tại, mắt của Aaron hiện đang có những dấu hiệu sức khỏe “ấn tượng”. Mặc dù chưa thể nhìn bằng mắt mới nhưng Aaron vẫn hy vọng rằng theo thời gian, anh sẽ có thể nhìn thấy được - và ca phẫu thuật đầu tiên của anh có thể mở ra một lĩnh vực mới trong y học cấy ghép.
“Đó thực sự là hy vọng lớn nhất của tôi”, Aaron nói. “Nếu tôi có thể nhìn được, điều đó thật tuyệt. Và nếu nó còn khởi đầu cho con đường tiếp theo trong lĩnh vực y tế thì tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Ca ghép mắt ở người lần đầu tiên được tiến hành trên thế giới cho bệnh nhân Aaron. Vào một đêm tháng 6/2021, anh đang làm việc với các đồng nghiệp ở Mississippi thì mặt anh vô tình chạm vào một sợi dây điện.
Dòng điện 7.200 volt chết người đã khiến khuôn mặt của Aaron bị chấn thương nặng, phá huỷ mắt trái, toàn bộ mũi và môi, vùng má trái và cằm cũng như cánh tay trái.
Hôm ấy ở Arkansas, Meagan và con gái của họ, Allie, một nữ sinh trung học, đang lái xe từ cửa hàng tạp hóa về nhà thì điện thoại của Meagan đổ chuông. Những từ rời rạc khủng khiếp mà cô nghe thấy là “Aaron”, “tai nạn” và “nghiêm trọng”.
Meagan lập tức khăn gói, lái xe khoảng 4 tiếng rưỡi đến Mississippi, nơi Aaron đang được chăm sóc tại một bệnh viện địa phương. Đang lái xe, điện thoại của cô lại reo lên. Lần này là bác sĩ. Bác sĩ mô tả tình trạng của Aaron và giải thích rằng anh đã bị điện giật.
“Anh ấy ổn chứ? Anh ấy sẽ ổn chứ?”, Meagan hỏi. Cô nhớ lại câu trả lời của bác sĩ: “Điều duy nhất tôi có thể hứa với cô là anh ấy sẽ không chết trước khi cô đến đây”.
Meagan nhớ rằng cô ấy thường dặn Aaron “hãy bảo trọng” vào mỗi buổi sáng trước khi đi làm. Cô vẫn nhớ lại buổi sáng xảy ra tai nạn của anh và tự hỏi liệu ngày hôm đó cô có nhắc anh “hãy bảo trọng” hay không.
Sau ca phẫu thuật này, để khuyến khích việc chữa lành mối liên hệ giữa dây thần kinh thị giác của người hiến và người nhận, các bác sĩ phẫu thuật đã thu hoạch tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương của người hiến và tiêm chúng vào dây thần kinh thị giác trong quá trình cấy ghép, với hy vọng chúng sẽ thay thế các tế bào bị tổn thương và bảo vệ dây thần kinh.
Cũng theo tiến sĩ Rodriguez, việc cấy ghép nhãn cầu còn sống sẽ mở ra nhiều khả năng mới, ngay cả khi thị lực không được phục hồi trong trường hợp này.
Ông cho biết, các nhóm nghiên cứu khác đang phát triển các cách kết nối mạng lưới thần kinh trong não với mắt không nhìn thấy được thông qua việc chèn các điện cực để cho phép tầm nhìn. “Tại thời điểm này, tôi nghĩ chúng tôi khá hài lòng với kết quả mà chúng tôi có thể đạt được”, ông nói.
Bác sĩ Rodriguez cho biết: “Về việc anh ấy có nhìn được hay không, đó là câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Nhưng tôi rất hy vọng”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Oren Tepper, bác sĩ phẫu thuật tạo hình và tái tạo, đồng thời là giám đốc Chương trình Phẫu thuật Sọ mặt tại Hệ thống Y tế Montefiore, cho biết quy trình này đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực y học cấy ghép.
Ông Tepper viết: “Ca phẫu thuật phức tạp và kỹ thuật cao này thể hiện một tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực ghép mặt. Cuối cùng, nếu việc cấy ghép mắt chứng tỏ thành công trong việc khôi phục bất kỳ dạng chức năng thần kinh hoặc tín hiệu thị giác nào thì đây sẽ là một bước đột phá to lớn trong y học đối với những bệnh nhân bị mất mắt do chấn thương hoặc ung thư”.
Trúc Chi (theo TTXVN, Nhà báo & Công luận)